Agribank chủ động hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh


Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây nên sự đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh và làm giảm tốc độ phát triển của nền kinh tế. Trước bối cảnh đó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn" (Agribank) kịp thời triển khai các chính sách và nhiều chương trình giảm lãi, giảm phí góp phần hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Agribank luôn duy trì hoạt động thông suốt để phục vụ khách hàng  trong mùa dịch bệnh
Agribank luôn duy trì hoạt động thông suốt để phục vụ khách hàng trong mùa dịch bệnh

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua giảm mạnh, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước bối cảnh đó, vượt qua những khó khăn, thách thức; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Agribank đã kịp thời ban hành các chính sách và nhiều chương trình giảm lãi, giảm phí góp phần hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với toàn ngành Ngân hàng, Agribank đang nỗ lực tối đa khắc phục khó khăn, cắt giảm chi phí, lợi nhuận để làm tốt vai trò “bà đỡ”, chia sẻ tối đa lợi ích để hỗ trợ khách hàng. Theo đó, Agribank đã giảm lãi cho gần 3,2 triệu khách hàng, với tổng số tiền lãi đã giảm là hơn 5.200 tỷ đồng, là ngân hàng đứng đầu trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam giảm lãi lớn để hỗ trợ khách hàng.

Thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN và các Thông tư sửa đổi, bổ sung của NHNN, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí với tổng số tiền là 48.118 tỷ đồng, trong đó: Cơ cấu lại nợ (gốc + lãi) là 45.397 tỷ đồng với 15.920 khách hàng; miễn, giảm lãi 2.800 tỷ đồng với 181.000 khách hàng.

Khắc phục khó khăn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Agribank đã và đang quyết liệt cùng Chính phủ, NHNN triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hiện thực hóa “mục tiêu kép” vừa chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Cụ thể trong năm 2020-2021, Agribank đã thông qua hàng loạt các biện pháp kinh tế và hoạt động an sinh xã hội, sẵn sàng cắt giảm chi phí hoạt động tối đa và chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ cho khách hàng và cộng đồng đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Cụ thể, Agribank đã ủng hộ hơn 400 tỷ đồng, bao gồm cả tiền và hiện vật cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; triển khai đồng loạt các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi, bao gồm: Tăng gấp đôi hạn mức chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, với quy mô 100.000 tỷ đồng, mức lãi suất, phí hỗ trợ tối đa 2,5%/năm.

Đồng thời, Agribank cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ mức phí tối đa 2%; cho vay ưu đãi đối với khách hàng xuất nhập khẩu quy mô 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD; cho vay khách hàng lớn quy mô 15.000 tỷ đồng; cho vay khách hàng tiêu dùng quy mô 20.000 tỷ đồng.

Agribank cũng là ngân hàng duy nhất thực hiện miễn, giảm lãi cho toàn bộ khách hàng trên hệ thống; thực hiện theo phương thức trực tuyến, không yêu cầu khách hàng phải đến ngân hàng. Thực vậy, Agribank đã thực hiện chính sách miễn, giảm một số loại phí dịch vụ (miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước; 100% phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa; giảm phí rút tiền tại ATM qua Napas).

Kết thúc năm 2021, Agribank đạt và vượt 100% các chỉ tiêu đề ra, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển ổn định. Tổng tài sản của Agribank đến tháng 12/2021 đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng phù hợp theo kế hoạch, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng và hoạt động kinh doanh, tiếp tục giữ vững thị phần đứng đầu trong hệ thống NHTM Việt Nam. Đặc biệt, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 103.074 tỷ đồng (+8,5%) so với năm 2020, hoàn thành mục tiêu kế hoạch (tăng tối tối đa 8,5%).

Dòng vốn tín dụng của Agribank tiếp tục được tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; tăng trưởng tín dụng xanh, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao. Agribank tiếp tục tiên phong, chủ lực triển khai có hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Qua đó, Agribank tiếp tục đưa nguồn vốn tín dụng đến khu vực nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài chính cần thiết, nâng cao đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank đến thời điểm hiện tại đạt 901.255 tỷ đồng, chiếm 68,5%/tổng dư nợ và chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này của toàn hệ thống ngân hàng, tiếp tục duy trì phù hợp với mục tiêu đề ra (65%-70%), góp phần quan trọng để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không ngừng phát triển, tạo thế và lực mới cho vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Kết quả trên đã cho thấy, sức mạnh nội lực của Agribank, là sự kết tinh của sức sáng tạo, quá trình phấn đấu bền bỉ, không ngừng nghỉ, sự đoàn kết, đồng thuận, kỷ cương, đổi mới tư duy, ý thức trách nhiệm của tập thể cán bộ lãnh đạo, người lao động trên toàn hệ thống Agribank.

Tổng tài sản của Agribank đến tháng 12/2021 đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng phù hợp theo kế hoạch, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng và hoạt động kinh doanh, tiếp tục giữ vững thị phần đứng đầu trong hệ thống NHTM Việt Nam.

Năm 2022, tiếp tục là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn do tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với nền tảng vững chắc, trong thời gian tới, toàn hệ thống Agribank tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá, đổi mới mô hình quản trị, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, kinh doanh an toàn, hiệu quả; phấn đấu đưa Agribank đạt Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á về quy mô tài sản, hướng đến ngân hàng số trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0 và kinh tế số ngày càng phát triển mạnh mẽ; xây dựng Agribank hiện đại, hội nhập, giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn với hình ảnh ngân hàng hiện đại, đổi mới, năng động, chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ hàng đầu.

(*) Trần Thuỳ Linh

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1+2 tháng 2/2022.