Agribank tiếp tục đẩy vốn rẻ ra nền kinh tế
Tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn chiếm khoảng 65 - 70% tổng dư nợ cho vay của Agribank. Vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Nhiều doanh nghiệp, hộ dân cho biết, dòng vốn của Agribank đã giúp họ tiết giảm chi phí, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Liên tục giảm lãi, tiếp sức cho nông dân, doanh nghiệp
Theo bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank, trong 8 tháng đầu năm 2023, Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3 -2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 2 - 3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; 3-4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản... Ngân hàng cũng triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2 - 3% so với lãi suất cho vay thông thường.
Ngoài ra, Agribank đã 2 lần giảm lãi suất trực tiếp đối với dư nợ cho vay trung hạn hiện hữu khoảng 425 nghìn tỷ đồng, với tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 640 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2023 tổng số tiền lãi giảm khoảng hơn 1 nghìn tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng cũng tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31 của Chính phủ. Doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất năm 2023 là 12.500 tỷ dồng; đến 31/8/2023, tổng số lãi suất hỗ trợ của chương trình đạt 71 tỷ đồng.
Mặc dù sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu khiến tín dụng của Agribank còn tăng chậm song tín dụng với nhiều ngành nông nghiệp của Agribank lại tăng mạnh bởi là lĩnh vực chủ lực của Agribank. Riêng tín dụng ngành lúa gạo và thủy sản tại Agribank tại Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đến cuối tháng 8/2023, tín dụng lúa gạo của Agribank tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng 9,7% và tín dụng thủy sản tăng 7,1%. Dư nợ của Agribank chiếm thị phần lớn nhất trong khu vực.
Trong các chương trình tín dụng ưu đãi, Agribank triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản với quy mô 3.000 tỷ đồng, lãi suất cho thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với lãi xuất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Đến nay, doanh số giải ngân đối với lĩnh vực thủy sản của Agribank đã đạt hơn 900 tỷ đồng của 693 khách hàng.
Ngoài hỗ trợ lãi suất, Agribank cũng là một trong các ngân hàng tích cực cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tiếp sức cho nông dân, doanh nghiệp. Tính đến 31/8/2023, tổng dư nợ Agribank cơ cấu (gốc và lãi) là 30.237 tỷ đồng (gốc 28.005 tỷ đồng, lãi 2.232 tỷ đồng) với tổng số 3.502 khách hàng.
Tiếp tục đẩy vốn rẻ, giúp khách hàng tiết giảm chi phí, mở rộng sản xuất
Bà Phùng Thị Bình cho hay, để đẩy mạnh tín dụng, hỗ trợ khách hàng các tháng cuối năm 2023, Agribank cam kết tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.
Tuy nhiên, để có thể làm được điều đó, theo bà Bình, ngoài sự nỗ lực của Agribank cũng như hệ thống ngân hàng, còn cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng… Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp tổng thể, trước mắt cần tập trung vào việc tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tăng cầu nội địa về hàng hoá, tiếp tục thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Đồng thời, tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng, các dự án khả thi, đủ pháp lý. “Về phía các doanh nghiệp, cũng cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền, minh bạch tình hình tài chính, chủ động tiếp cận đề xuất để ngân hàng có cơ sở thẩm đinh, quyết định cho vay”, bà Bình nhận định.
Với vai trò chủ lực cung ứng vốn cho lĩnh vực “tam nông”, Agribank đang tiếp tục kết nối cùng các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đưa dòng vốn rẻ chảy vào nền kinh tế.
Mới đây, Agribank cùng Vietcombank, BIDV, VietinBank tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động, đây là cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay, lãi suất không còn là vấn đề. Nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu trước bối cảnh thị trường khó khăn. Vì khi kinh tế khó khăn, thị trường thu hẹp, sức tiêu thụ hàng hóa giảm, doanh nghiệp không mở rộng sản xuất, chỉ duy trì hoạt động cầm chừng, do vậy mặt bằng lãi suất có giảm mạnh thì tín dụng cũng khó có thể tăng đột biến.
Lường được những khó khăn, thách thức trên, từ nay đến 30/6/2024, Agribank triển khai chương trình tín dụng quy mô 3.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Đối tượng vay vốn theo chương trình là pháp nhân, cá nhân có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản (lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản lâm sản) và thủy sản (khai thác, nuôi trồng, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản thủy sản).
Lãi suất ưu đãi của chương trình này thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ. Ngoài ra, khách hàng tham gia chương trình được giảm phí dịch vụ với mức giảm tối đa đến 50% đối với các loại phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại (phí phát hành L/C nhập khẩu, phí thông báo L/C xuất khẩu, phí ký hậu vận đơn đường biển, phí thanh toán L/C xuất khẩu…) và miễn, giảm một số loại phí dịch vụ khác.
Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3 -2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 2 - 3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; 3-4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản... Ngân hàng cũng triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2 - 3% so với lãi suất cho vay thông thường.