Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thu nhập, việc làm trong lĩnh vực du lịch

Mai Thị Vân, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Đoàn Vinh Thăng - Trường Đại học An Giang, Đai học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thu nhập và việc làm của lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người lao động trẻ tuổi, người ít kinh nghiệm làm việc và nữ giới, có khả năng thất nghiệp cao hơn so với các đối tượng khác. Đồng thời, kết quả khảo sát còn cho thấy, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực du lịch bị giảm trung bình khoảng 56,5% dưới tác động của đại dịch COVID-19. Ngoài ra, kết quả phân tích hồi quy đa biến cho thấy, trình độ học vấn và kinh nghiệm là 2 yếu tố ảnh hưởng tích cực lên thu nhập của người lao động trong đại dịch COVID-19.

Giới thiệu

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh đời sống như sức khoẻ, thu nhập và việc làm. Trên phạm vi toàn cầu, hàng trăm triệu người đã bị mất việc làm và thu nhập bị giảm đi đáng kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020 và năm 2021 (Putra, Ovsiannikov và Kotani, 2023). Tại Việt Nam, 4 lần bùng nổ dịch COVID-19, kéo dài từ 23/1/2020 đến 30/12/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và việc làm của lực lượng lao động trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, du lịch dường như là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mà các quy định về giãn cách xã hội được ban hành cũng như những e ngại lây nhiễm bệnh của du khách.

Ngành du lịch tại tỉnh An Giang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nặng nề so với nhiều địa phương khác. Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh An Giang (2020) cho thấy, khu vực dịch vụ là khu vực chịu tác động mạnh nhất của đại bệnh COVID-19, nhất là dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành năm 2020 tại tỉnh An Giang giảm lần lượt là 32%, 16%, 28% so với năm 2019 (Cục Thống kê tỉnh An Giang, 2020). Hệ quả là, thu nhập và việc làm của người lao động làm việc trong ngành này cũng chịu tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, tác động của đại dịch COVID-19 lên thu nhập và việc làm của những người lao động khác nhau trong lĩnh vực du lịch là không giống nhau do những khác biệt về các đặc điểm nhân khẩu học (tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn), kinh nghiệm làm việc, đặc thù của vị trí công việc (lao động thời vụ hoặc lao động có hợp đồng toàn thời gian), vốn sinh kế sẵn có và chiến lược sinh kế của mỗi cá nhân người lao động. Ví dụ, lao động thời vụ không có hợp đồng lao động có thể mất hẳn việc làm hoặc những người tự kinh doanh nhỏ có thể giảm thu nhập đáng kể khi các quy định về giãn cách xã hội được ban hành. Trong khi đó, những người lao động có hợp đồng lao động hoặc người lao động trong khu vực quốc doanh có thể chịu tác động tiêu cực về thu nhập và việc làm ít hơn so với các nhóm khác (Cục Thống kê tỉnh An Giang, 2020). Tương tự, Mongey, Pilossoph, and Weinberg (2021) báo cáo rằng, tại Hoa Kỳ, những người lao động trẻ tuổi, có trình độ học vấn thấp và có ít tài sản có tính thanh khoản chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn so với những người lao động khác khi các quy định về giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 được ban hành. Cũng vậy, Putra và cộng sự (2023) cung cấp bằng chứng thực nghiệm về mức độ ảnh hưởng khác nhau của COVID-19 đến thu nhập và việc làm của người lao động tại Indonesia. Cụ thể, người lao động là nam giới, người trẻ tuổi và có trình độ học vấn thấp, những người tự kinh doanh nhỏ và những người làm công việc bán thời gian chịu rủi ro mất việc và/hoặc giảm thu nhập nhiều hơn so với các nhóm khác.

Như vậy, có thể giả thuyết rằng đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không đồng nhất lên việc làm và thu nhập của lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích và so sánh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thu nhập và việc làm của các nhóm người lao động khác nhau làm việc trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh An Giang. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách xây dựng và ban hành các chính sách và chương trình hỗ trợ phù hợp cho các nhóm đối tượng người lao động khác nhau trong ngành du lịch khi có những rủi ro bất lợi xảy ra đối với ngành này trong tương lai, từ đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của những biến cố tiêu cực đó lên việc làm và đời sống của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu sơ cấp về tình hình thu nhập và việc làm của người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019) và trong khoảng thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh (năm 2020 – 2021). Đối tượng khảo sát của nghiên cứu này là người lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh An Giang. Hoạt động khảo sát được tiến hành từ tháng 6 đến tháng 7/2023. Cỡ mẫu tối thiểu (kí hiệu là n) cho nghiên cứu này được tính bằng công thức n = [p(100-p)z2]/E2, với p là phần trăm xuất biện của một biến cố, E là phần trăm sai số tối đa cho phép và z là giá trị tương ứng với mức độ tin cậy mong muốn của nhà nghiên cứu (Taherdoost, 2017). Như vậy, với p = 50%, E = 5% và z ~ 1,96 tại mức độ tin cậy 95%, cỡ mẫu tối thiểu sẽ là n = 384 quan sát.

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp thống kê mô tả để mô tả tóm tắt về các đặc điểm nhân khẩu học của mẫu nghiên cứu. Bên cạnh đó, phương pháp kiểm định sự khác biệt trung bình mẫu (T-test) được sử dụng để so sánh sự khác biệt về thu nhập của người lao động trong lĩnh vực du lịch ở giai đoạn trước và trong khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Ngoài ra, phương pháp hồi quy tuyến tính bội được sử dụng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động trong giai đoạn COVID-19. Mô hình hồi quy có dạng:

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thu nhập, việc làm trong lĩnh vực du lịch - Ảnh 1

Trong đó, y là biến phụ thuộc, đo lường thu nhập bình quân/người/tháng của đáp viên trong giai đoạn COVID-19. Tham số β0 là hằng số,βk(với k = 1...5) đại diện cho các hệ số ước lượng của các biến độc lập, biến age là tuổi của đáp viên, biến gender là giới tính (nữ giới = 1, nam giới = 0), biến edu là học vấn của đáp viên (tốt nghiệp đại học trở lên = 1, khác = 0), biến marry là tình trạng hôn nhân (đã kết hôn = 1, khác = 0), biến experience là kinh nghiệm làm việc của đáp viên (trên 5 năm kinh nghiệm = 1, khác = 0), và ε là phần dư của mô hình hồi quy.

Kết quả nghiên cứu

Mô tả mẫu nghiên cứu

Tổng cộng 528 đáp viên là người lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch đã tham gia cuộc khảo sát, trong đó, các đáp viên đang làm việc tại nhiều khu vực khác nhau của tỉnh An Giang như thành phố Long Xuyên (45%), thành phố Châu Đốc (31%), huyện Tịnh Biên (20%) và các huyện khác trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hơn 58% đáp viên là nữ giới và 60% đáp viên là người đã kết hôn. Các đáp viên tham gia cuộc khảo sát này cũng đa dạng về độ tuổi (dưới 30 tuổi chiếm 33%, từ 30 – 40 tuổi chiếm 36%, và trên 40 tuổi chiếm 31%), dân tộc (95% dân tộc Kinh, 6,8% dân tộc Khmer, 2,3 dân tộc Hoa và 0,4% dân tộc Chăm), và trình độ học vấn (44% tốt nghiệp trung học phổ thông trở xuống, 17% tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng, và 39% tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học). Mẫu nghiên cứu với sự đa dạng về độ tuổi, giới tính, dân tộc, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, và địa bàn làm việc giúp gia tăng tính đại diện cho tổng thể nghiên cứu.

Kết quả và thảo luận

- Ảnh hưởng của COVID-19 đến việc làm của người lao động trong lĩnh vực du lịch:

Bảng 1 thống kê tình hình việc làm của người lao động ở các nhóm nghề nghiệp khác nhau thuộc lĩnh vực du lịch tại tỉnh An Giang. Kết quả khảo sát cho thấy, trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, người lao động làm việc trong nhiều nhóm nghề nghiệp khác nhau, phục vụ khách du lịch ở các khía cạnh như lữ hành (14,5%), ăn uống (30,2%), lưu trú (11,7%), vận tải hành khách (6,9%), các dịch vụ tại điểm tham quan du lịch (6,5%), dịch vụ bổ sung (10,1%) và buôn bán nhỏ lẻ gần các khu du lịch (13,1%). Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 diễn ra, có sự sụt giảm đáng kể tỷ trọng người lao động trong nhiều nhóm nghề nghiệp kể trên. Trong khi đó, tỷ lệ người lao động thất nghiệp (kể cả người nghỉ việc không lương trong thời gian giãn cách xã hội) trong giai đoạn này lại gia tăng mạnh, ở mức hơn 27% số người tham gia khảo sát.

Bảng 1: Cơ cấu người lao động ởcác nhóm nghề nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch

Nhóm nghề nghiệp

Trước dịch COVID-19 (%)

Trong dịch COVID-19 (%)

1. Lữ hành

14,5

12,4

2. Nhà hàng/quán ăn (ăn uống)

30,2

24,3

3. Khách sạn/nhà nghỉ (lưu trú)

11,7

10,2

4. Vận chuyển/vận tải khách du lịch

6,9

4,4

5. Điểm tham quan du lịch

6,5

5,3

6. Dịch vụ bổ sung (bán hàng lưu niệm, Spa, massage)

10,1

4,4

7. Buôn bán nhỏ gần khu du lịch

13,1

11,5

8. Thất nghiệp (bao gồm người nghỉ việc không lương trong thời gian giãn cách xã hội)

5,1

27,4

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

 

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả
Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Kết quả phân tích ở Hình 1 cho thấy, tỷ lệ người lao động thất nghiệp trong đại dịch COVID-19 có sự khác biệt khá lớn giữa các nhóm tuổi, giới tính và kinh nghiệm làm việc. Trong đó, những người trẻ tuổi, người ít kinh nghiệm làm việc, và nữ giới, có khả năng thất nghiệp cao hơn so với các đối tượng khác. Kết quả này tương tự như kết quả của một số nghiên cứu trước đây. Chẳng hạn, Mongey và cộng sự (2021), Putra và cộng sự (2023) báo cáo rằng, những người lao động trẻ tuổi, và thường là ít kinh nghiệm làm việc hơn, có xu hướng chịu rủi ro mất việc làm cao hơn trong đại dịch COVID-19. Tương tự, xu hướng nữ giới có khả năng thất nghiệp cao hơn nam giới trong đại dịch COVID-19 có thể là vì du lịch là một lĩnh vực nghề nghiệp mà tỷ lệ lao động nữ giới cao hơn so với nam giới. Bên cạnh đó, việc các cơ sở giữ trẻ đóng cửa trong đại dịch COVID-19 cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến nữ giới dường như buộc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động (Albanesi và Kim, 2021; Alon, Doepke, Olmstead-Rumsey và Tertilt, 2020).

- Ảnh hưởng của COVID-19 đến thu nhập của người lao động trong lĩnh vực du lịch:

Bảng 2: So sánh thu nhập của người lao động giai đoạn trước và trong dịch COVID-19 (triệu đồng)

Thu nhập

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Nhỏ nhất

Lớn nhất

Khác biệt

 

Trước COVID-19

6,4

4,8

0,0

35,0

-3,6***

 

Trong COVID-19

2,8

3,2

0,0

-20,0

 

 

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Ghi chú: ***, **: lần lượt là các mức ý nghĩa 1% và 5%

Bảng 2 thống kê và so sánh sự khác biệt về thu nhập của người lao động trong lĩnh vực du lịch ở giai đoạn trước và trong dịch COVID-19. Kết quả cho thấy thu nhập trung bình của người lao động giảm đáng kể, từ mức 6,4 triệu đồng/người/tháng giảm xuống còn 2,8 triệu đồng/người/tháng, tương ứng với mức giảm 56,5% ( = [2,8 – 6,4]/6,4).

Hình 2: Phân phối thu nhập của người lao động trước và trong giai đoạn COVID-19

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả
Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Hình 2 mô tả trực quan phân phối thu nhập của người lao động giai đoạn trước và trong dịch COVID-19 cho thấy, có sự phân hoá (chênh lệch) thu nhập khá lớn giữa những người lao động khác nhau trong lĩnh vực du lịch. Cụ thể, ở giai đoạn trước dịch COVID-19, có đến 75% người lao động có mức thu nhập từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên, và chỉ có 25% người lao động có thu nhập dưới mức này (tại bách phân vị thứ 25). Tuy nhiên, ở giai đoạn trong dịch COVID-19, chỉ còn 25% người lao động duy trì được mức thu nhập từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên, trong khi có tới 75% người lao động có thu nhập dưới mức này (tại bách phân vị thứ 75). Điều này cho thấy đại dịch COVID-19 làm giảm đáng kể thu nhập của người lao động trong lĩnh vực du lịch.

Bảng 3: Mô hình hồi quy về các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động

Biến độc lập

Kí hiệu biến

Hệ số hồi quy

Sai số chuẩn

t

Hằng số β0

2,557***

0,554

4,617

 

Tuổi

age

-0,026

0,016

-1,628

Giới tính

gender

-0,040

0,287

-0,138

Trình độ học vấn

edu

1,799***

0,304

5,916

Tình trạng
hôn nhân

marry

-0,395

0,350

-1,129

Kinh nghiệm
làm việc

experience

0,232**

0,110

2,102

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Ghi chú: ***, **: lần lượt là các mức ý nghĩa 1% và 5%

 

Kết quả hồi quy tuyến tính bội về các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động trong giai đoạn COVID-19 được trình bày ở bảng 3. Kết quả cho thấy, trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc là 2 yếu tố có ảnh hưởng tích cực có ý nghĩa thống kê đến thu nhập của người lao động. Điều này có nghĩa là, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, người lao động có trình độ học vấn từ đại học trở lên có mức thu nhập cao hơn xấp xỉ 1,8 triệu đồng/người/tháng so với những người lao động chưa có bằng đại học. Tương tự như vậy, người lao động có từ 5 năm kinh nghiệm trở lên có thu nhập cao hơn trung bình là 230 ngàn đồng so với những người lao động có dưới 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực du lịch. Trong khi đó, kết quả hồi quy còn cho thấy rằng không có sự khác biệt đáng kể về thu nhập giữa những người lao động có tuổi tác, giới tính và tình trạng hôn nhân khác nhau.

Kết luận

Một số kết luận có thể được rút ra từ kết quả nghiên cứu này như sau:

Một là, những người lao động trẻ tuổi, người ít kinh nghiệm làm việc và nữ giới có khả năng thất nghiệp cao hơn so với các đối tượng khác.

Hai là, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực du lịch bị giảm trung bình khoảng 56,5% dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Ba là, có sự phân hoá (chênh lệch) thu nhập khá lớn giữa những người lao động khác nhau trong lĩnh vực du lịch.

Bốn là, có 2 yếu tố có ảnh hưởng tích cực lên thu nhập của người lao động trong đại dịch COVID-19 là trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc. Trong khi đó, kết quả ước lượng chỉ ra rằng, không có sự khác biệt về thu nhập giữa những người lao động có tuổi tác, giới tính và tình trạng hôn nhân khác nhau.

Những kết quả trên là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách xây dựng và ban hành các chính sách và chương trình hỗ trợ phù hợp cho các nhóm đối tượng người lao động khác nhau trong ngành du lịch khi có những rủi ro bất lợi xảy ra đối với ngành này trong tương lai, từ đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của những biến cố tiêu cực đó lên việc làm và đời sống của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.

Tài liệu tham khảo

  1. Cục Thống kê tỉnh An Giang (2020), Báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh An Giang 2020,http://thongkeangiang.gov.vn/Content/Files/Documents/BC%20KTXH%20AG%202020.spdf;
  2. Cục Thống kê tỉnh An Giang (2022), Thông cáo báo chí Về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh An Giang 6 tháng năm 2022, https://angiagov.vn;
  3. Albanesi, S., & Kim, J. (2021), The gendered impact of the COVID-19 recession on the US labor market;
  4. Alon, T., Doepke, M., Olmstead-Rumsey, J., & Tertilt, M. (2020), The impact of COVID-19 on genderequality;
  5. Mongey, S., Pilossoph, L., & Weinberg, A. (2021), Which workers bear the burden of social distancing? The Journal of Economic Inequality, 19, 509-526.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2024