Chính sách tài chính nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam
Trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế trong nước cũng gặp nhiều khó khăn từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thời gian qua, chính sách tài chính của Việt Nam đã có những điều chỉnh kịp thời, nhằm phù hợp với thực tiễn phát sinh, theo kịp xu hướng quốc tế, cũng như hướng tới tăng trưởng bền vững. Bài viết nhằm phân tích thực trạng chính sách tài chính của Việt Nam giai đoạn vừa qua và đề xuất giải pháp nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế bền
Những kết quả đạt được trong chính sách tài chính giai đoạn từ năm 2020 đến nay
Chính sách tài khóa
Nhằm đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, chính sách thu ngân sách nhà nước giai đoạn từ năm 2020 đến nay tập trung vào các giải pháp nhằm phục hồi, tăng trưởng kinh tế bằng nhiều giải pháp khác nhau:
- Về chính sách thu ngân sách nhà nước
Chính sách thu ngân sách nhà nước được điều chỉnh nhằm thích ứng với tác động của đại dịch COVID-19, được khẳng định qua chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Tiếp đến, ngày 11/01/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thực hiện giảm thuế GTGT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất GTGT 10% từ ngày 01/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Sang năm 2023, do tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục khó khăn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 101/2023/QH15, trong đó có nội dung miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023, trong đó có nội dung tiếp tục giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024.
Để cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến chính sách thu ngân sách nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, như Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội; Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.
Với các giải pháp chính sách như trên, thông qua các giải pháp về thu ngân sách nhà nước, đã phần nào hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, từ đó có mức độ đóng góp bền vững hơn cho nguồn thu ngân sách nhà nước, phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ khác, giúp tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.
- Về chính sách chi ngân sách nhà nước
Trong bối cảnh kinh tế ở giai đoạn suy giảm do tác động của đại địch COVID-19, chính sách chi ngân sách nhà nước có vai trò rất quan trọng nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Chi ngân sách nhà nước đã được cơ cấu lại theo hướng tăng hợp lý chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Theo đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách đặc thù, vừa cấp bách và mang tính chất dài hạn nhằm thực hiện có hiệu quả đối với chi ngân sách phục vụ cho chi đầu tư phát triển. Điều đó thể hiện ở các giải pháp chính sách từ Nghị quyết của Quốc hội đến các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ và các văn bản dưới Luật khác, như: Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phù hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/QĐ-TTg và số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, với cơ chế trao cho địa phương quyền phân cấp trên địa bàn, phân bổ chi ngân sách, triển khai các nhiệm vụ chi ngân sách gắn với nhu cầu công chúng địa phương đã từng bước tăng cường hiệu quả, tạo động lực thực hiện công khai, minh bạch và giám sát ngân sách của các tổ chức, cộng đồng địa phương; nâng cao hiệu quả chi ngân sách.
Chính sách tiền tệ
Đối với chính sách tiền tệ, vấn đề đặt ra cho giai đoạn hậu COVID-19 là cần có chính sách linh hoạt, phù hợp, để giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhằm phục hồi và tăng trưởng bền vững.
Giai đoạn 2020 - 2023, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, luôn có sự chủ động trong dự báo, kịp thời chuyển hướng điều hành phù hợp với diễn biến thực tế ở mỗi giai đoạn khác nhau. Cụ thể:
- Đối với công cụ lãi suất
Do tác động của diễn biến thị trường kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá cả tăng cao do tác động của nhiều yếu tố liên quan đến nhiên liệu, lương thực, cùng với các bất lợi về cục diện chính trị, hầu hết ngân hàng trung ương các quốc gia đều có xu hướng tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Để phù hợp với diễn biến điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đồng thời đảm bảo mục tiêu lạm phát ở mức cho phép, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất điều hành theo hướng tăng, cụ thể: Lần thứ nhất, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4% lên 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5% lên 3,5%/năm (bắt đầu từ ngày 23/9/2022); Lần thứ hai, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/ năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm (bắt đầu từ ngày 24/10/2022).
Sang đến năm 2023, do tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục khó khăn, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất tái cấp vốn 50 điểm (0,5%) xuống 5,5%, hiệu lực từ thứ hai (ngày 3/4/2023) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp theo, ngày 23/5/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 950/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
- Đối với tỉ giá hối đoái
Giai đoạn vừa qua, nhằm thích ứng với diễn biến của thị trường quốc tế, đặc biệt là việc tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương trên thế giới, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh biên độ tỉ giá theo hướng tăng biên độ ±3% lên ±5%. Đồng thời, đã tăng giá bán USD/VND, với tổng mức tăng 945 đồng từ 23.925 đồng lên 24.870 đồng vào các ngày 17/10/2022 và ngày 24/10/2022.
Sang năm 2023, tỷ giá trong nước được hỗ trợ bởi áp lực lạm phát thấp, nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn, dẫn đến tỷ giá trong nước cũng từng bước giảm nhiệt, điều đó tạo điều kiện cho việc tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tính chung năm 2023, tỉ giá liên ngân hàng tăng khoảng 2,7% so với đầu năm, tỷ giá trung tâm tăng 1,18% so với đầu năm.
- Đối với chính sách tín dụng
Chính sách tín dụng của nước ta thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, như: nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản sạch,…
Tuy nhiên, điểm khác biệt rất lớn trong năm 2023 với các năm trước là hiện tượng thừa tiền của các ngân hàng thương mại Việt Nam, khi lượng vốn tồn đọng trong ngân hàng khá lớn và không thể đẩy ra nền kinh tế được nhiều, dẫn đến tăng trưởng tín dụng không cao.
Một số vấn đề đặt ra
Mặc dù kết quả đạt được của chính sách tài chính trong thời gian qua rất quan trọng, giúp đối phó với suy giảm kinh tế do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tuy nhiên cũng còn những vấn đề đặt ra cần tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể như sau:
Đối với chính sách tài khóa
Thứ nhất, chính sách thu ngân sách nhằm phục hồi tăng trưởng giai đoạn vừa qua tuy đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên chất lượng, cơ cấu thu ngân sách còn chưa bền vững, nguồn tăng thu chủ yếu từ dầu thô (năm 2022: 78.000 tỷ đồng, vượt 49.800 tỷ đồng, tăng 176,7% so với dự toán)[1], chuyển nhượng đất đai (Ví dụ: năm 2022, thu từ chuyển nhượng đất đai đạt 209.000 tỷ đồng, vượt 74.000 tỷ đồng, tăng 54,8% so với dự toán)[2], xổ số kiến thiết (năm 2022 vượt 6.300 tỷ đồng, tăng 18,4% so với dự toán)[3],…
Thứ hai, hoạt động dự báo vĩ mô liên quan đến chính sách tài khóa giai đoạn vừa qua là một trong những điểm yếu cần tiếp tục được khắc phục. Theo đó, việc dự báo thu, chi quá thận trọng trong giai đoạn vừa qua đã làm cho không gian tài khóa bị thu hẹp, dẫn đến tác động lên tăng trưởng chưa cao.
Thứ ba, mặc dù đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến nay, giải ngân vốn đầu tư công dù có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với chính sách tiền tệ
Thứ nhất, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém gắn với xử lý nợ xấu của giai đoạn 2021-2025 trong thời gian qua còn chậm, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đó là việc phải thực hiện nhiều mục tiêu, từ việc xử lý nợ xấu, an toàn, hiệu quả của cả hệ thống, thúc đẩy, đến hỗ trợ phục hồi tăng trưởng do tác động tiêu cực từ dịch bệnh.
Thứ hai, tình trạng sở hữu chéo liên quan đến một số tổ chức tín dụng trong thời gian qua cũng chưa được giải quyết triệt để.
Thứ ba, sức hấp thụ của nền kinh tế còn yếu, dẫn đến tăng trưởng tín dụng giai đoạn vừa qua thấp, chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Chính vì vậy, cần tiếp tục có chính sách điều hành chủ động, linh hoạt hơn, gắn với tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giải pháp chính sách tài chính nhằm phục hồi tăng trưởng bền vững sau tác động của đại dịch COVID-19
Với chính sách tài khóa
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách thu ngân sách nhà nước, trong đó hoàn thiện thể chế liên quan đến thu ngân sách được coi là khâu đột phá, đặc biệt là thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, tập trung cho lĩnh vực thuế và hải quan. Từ đó, giúp gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế để phục vụ tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, đẩy mạnh cơ cấu lại chi đầu tư công, tăng cường nguồn lực chi đầu tư phát triển con người để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật liên quan đến chi ngân sách, hoàn thiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng công sản.
Thứ ba, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa phục vụ cho mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách khác, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Với chính sách tiền tệ
Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng thời đảm bảo mức cung tiền sát với yêu cầu thực của tổng thể nền kinh tế, bảo đảm lượng cung tiền đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Thứ hai, điều hành chính sách tỉ giá linh hoạt, nhằm duy trì tăng trưởng, phù hợp với diễn biến của kinh tế trong nước và tình hình thế giới, hạn chế việc sử dụng ngoại hối để bình ổn tỉ giá hối đoái mang tính chất thời vụ.
Thứ ba, trong bối cảnh hiện nay, khi lạm phát cơ bản được kiểm soát theo mục tiêu đặt ra, cùng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất trong tương lai, thì việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ cho các ngành sản xuất, kinh doanh chủ yếu chính là giải pháp cần thiết trong thời gian tới.
Thứ tư, chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung cho 3 động lực tăng trưởng, trong đó đặc biệt là tiêu dùng nội địa, gắn với các gói hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiêu dùng và đảm bảo có thể thực thi hiệu quả trong việc hỗ trợ phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.
Tài liệu trích dẫn:
1,2,3 Bộ Tài chính (mof.gov.vn)
Tài liệu tham khảo:
- Trần Kim Chung, Nguyễn Văn Tùng (2020). Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Tạp chí Tài chính, tháng 2/2020.
- Trịnh Thị Ái Hoa, Nguyễn Thị Lệ Thủy (2018). Tái cơ cấu đầu tư công gắn với tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính, tháng 12/2018.
- Ngân hàng Nhà nước (2023). Báo cáo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, ngày 3/1/2023.
- Minh Phương (2022). Ngân hàng nới biên độ điều chỉnh tỷ giá: Cân bằng cung - cầu thị trường. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/ngan-hang-noi-bien-do-dieu-chinh-ty-gia-can-bang-cung-cau-thi-truong-622176.html.
- Quốc hội (2021). Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
- Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 12/1/2018 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025.