Áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý, công cụ năng suất để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Việc áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp (DN), quản trị sản xuất cho DN công nghiệp hỗ trợ là nội dung quan trọng đối với DN trong bối cảnh tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đến nay, cả nước có khoảng 5.000 DN công nghiệp hỗ trợ tham gia sản xuất cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày. Tuy nhiên, mới có khoảng 30% DN công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Để cạnh tranh mạnh mẽ và phát triển bền vững, DN cần phải giải quyết vấn đề hiệu quả trong sản xuất và tránh lãng phí. Cùng với đó, các DN phải đảm bảo chất lượng, giao hàng kịp thời, linh hoạt thích ứng và thỏa mãn toàn diện yêu cầu của khách hàng, nhất là trong bối cảnh tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo Lãnh đạo Hiệp hội DN Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội, việc áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất cho DN công nghiệp hỗ trợ là nội dung quan trọng mà hầu hết Việt Nam nói chung, DN công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội nói riêng còn đang lúng túng để đáp ứng chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như tiếp cận những gói ưu đãi. Do đó, việc trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho lãnh đạo và cán bộ quản lý DN là rất cần thiết.
Ông Phạm Minh Thắng - Giám đốc P&Q Solutions cho biết, các tiêu chuẩn phổ biến mà các DN công nghệp hỗ trợ thường áp dụng là ISO 9001; ISO 14001; ISO 45001; IATF 16949. Tuy nhiên, hiện nay, DN Việt Nam đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong việc áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng chỉ ra những vấn đề thường gặp trong triển khai các hệ thống quản lý chất lượng ISO, trong đó có việc không thích hợp với tổ chức, thiếu sự tham gia đầy đủ của toàn tổ chức, thiếu khả năng duy trì và cải tiến sau chứng nhận, thiếu sự tích hợp với các lĩnh vực khác và không giúp cải tiến hoạt động.
Công ty Cổ phần cơ khí Phổ Yên (FOMECO) - DN dẫn đầu trong ngành gia công cơ khí chính xác và cũng là DN đã áp dụng thành công các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ nâng cao năng suất lao động. Sản phẩm chính của công ty bao gồm: các loại vòng bi, phụ tùng xe gắn máy, phụ tùng ô tô, các chi tiết cơ khí như con lăn, băng tải, phụ tùng cho ngành xây dựng.
FOMECO là đơn vị điển hình thành công trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhờ năng lực vượt trội về quản lý và chú trọng nguồn nhân lực. Từ xuất phát điểm ban đầu với 7 công cụ của quản lý chất lượng, áp dụng 5S tại nơi làm việc từ 20 năm trước, đến nay, Công ty đã áp dụng hầu hết công cụ quản lý như: ISO 9001, ISO 14001, ISO 50001, IATF 16949, TQM, TPM, Kaizen. . Công ty đã đạt được Cúp vàng ISO do Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng.
Ở FOMECO, các công cụ 5S và Kaizen được triển khai rộng khắp và có chiều sâu. Với 5S, mọi người lao động đều có vai trò chủ động tổ chức chỗ làm việc ngăn nắp, sạch sẽ, giảm thiểu thời gian lãng phí và đảm bảo an toàn lao động.
Với Kaizen, tất cả các thành viên của Công ty đều được khuyến khích phát huy sáng tạo. Năm 2015, toàn Công ty mới thực hiện 253 Kaizen; đến năm 2019, số Kaizen một năm đã lên đến hàng nghìn, làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng. Người lao động cũng được khuyến khích với mức trích thưởng một Kaizen có khi tới hàng chục triệu đồng.
Hơn 80% thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất, thực hiện kiểm tra, bao gói đã được tự động hóa…, phần lớn do Công ty tự sáng chế, sáng tạo. Để có chất lượng ổn định, không phụ thuộc yếu tố chủ quan của con người, tự động hóa có vai trò quyết định.
Nhờ vào chiến lược đúng đắn và xác định hướng đi lâu dài, những năm gần đây, doanh số bán hàng của FOMECO tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm. Sản phẩm của Công ty không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra các thị trường quốc tế lớn. Nhiều khách hàng của FOMECO là các công ty toàn cầu đến từ nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.