Áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước
Trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2022, bước sang năm 2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đáng chú ý sẽ áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Với vai trò là cơ quan đầu mối hướng dẫn, tổng hợp, lập và trình phê duyệt kế hoạch xây dựng TCVN, năm 2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức tốt việc tiếp nhận, góp ý, thẩm định, trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 496 TCVN (tăng 27,5% so với năm 2021). Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản phẩm nông nghiệp, tự động hóa, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, kiểm soát môi trường, giao thông đường bộ, vật liệu và công trình xây dựng, an ninh thông tin.
Đồng thời, thực hiện theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình xây dựng, soát xét TCVN theo kế hoạch đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt; tham mưu, góp ý, tiếp nhận và thẩm định 32 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) của các bộ quản lý chuyên ngành đảm bảo công tác quản lý nhà nước và hạn chế các rào cản, thủ tục hành chính, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; hướng dẫn, góp ý 31 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật địa phương (tăng 24% so với năm 2021).
Năm 2022, hệ thống TCVN, QCVN, quy chuẩn địa phương tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, năng suất chất lượng, nâng cao năng lực doanh nghiệp, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn.
Bên cạnh đó, nhằm thống nhất, đơn giản, hài hòa, tối ưu hóa, tự nguyện và chia sẻ; đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Bước sang năm 2023, xác định là năm hết sức quan trọng, trong đó việc hoàn thiện hành lang thể chế pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng phải phù hợp với nhu cầu của thực tiễn, phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số và nâng cao năng lực hội nhập đối với quốc tế. Vì vậy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đề ra 10 nhiệm vụ cụ thể, quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất, triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các chương trình hành động và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Thứ hai, tổ chức triển khai việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền về việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Thứ ba, tập trung triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Thứ tư, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các đơn vị trực thuộc theo quy định pháp luật trên cơ sở quy định của Nghị định quy định chức năng, nhiêm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, chính phủ điện tử, tăng cường giải quyết công việc trên môi trường điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công, nhất là triển khai qua cơ chế một cửa và cổng dịch vụ công các cấp.
Thứ sáu, triển khai xây dựng Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Thứ bảy, tổ chức thực hiện tốt các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký, đồng thời tăng cường kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực phục vụ hội nhập quốc tế về Khoa học và công nghệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Thứ tám, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục.
Thứ chín, tăng cường hoạt động tuyên truyền về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, năng suất chất lượng, cảnh báo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ mười, triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượngtheo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.