APEC 2017: Triển khai chương trình chống xói mòn cơ sở thuế
Sáng ngày 22/2, bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương-APEC 2017 tại TP Nha Trang, Bộ Tài chính chủ trì tổ chức hội thảo triển khai chương trình hành động về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận trong APEC.
“Trốn thuế”- mối nguy hại của các nền kinh tế
Tại hội nghị, với tư cách đại diện Bộ Tài chính, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã chia sẻ chủ đề “nóng” được các thành viên APEC quan tâm, ưu tiên và đề ra chương trình hành động vì mục tiêu APEC phát triển thịnh vượng. Đó là chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) trong APEC.
Theo ông Bùi Văn Nam, chương trình hành động BEPS được các Bộ trưởng G20 và thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thông qua vào ngày 5/10/2015 và nay đã trở thành chủ đề trọng tâm, ưu tiên trong cải cách chính sách và quản lý thuế quốc tế nói chung, trong hợp tác về thuế quốc tế nói riêng trên các diễn đàn toàn cầu và khu vực.
Việc triển khai chương trình hành động BEPS cũng được lựa chọn là một trong những chủ đề ưu tiên của Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017 (diễn ra vào 23-24/2).
Cảnh báo của quốc tế cho thấy, các hành vi trốn thuế của người nộp thuế có xu hướng gia tăng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại những nước nơi DN tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để chuyển lợi nhuận sang những nước/vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng không. Các kế hoạch này đang ngày càng trở nên phổ biến và được thiết lập thông qua hành vi chuyển giá, thương mại điện tử, vốn mỏng, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, cơ sở thường trú hay thiên đường thuế.
Toàn cảnh hội thảo về lĩnh vực thuế do Bộ Tài chính tổ chức. Ảnh: BTC |
Tại Hội nghị thượng đỉnh Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 11/2015, các nguyên thủ G20 đã thông qua Gói hành động BEPS với 15 hành động cụ thể nhằm hạn chế tình trạng lách thuế/trốn thuế BEPS. Theo đó, OECD đã thiết lập một Diễn đàn hợp tác chung do các nước thành viên và không phải là thành viên của OECD/G20 cùng thực hiện triển khai Đề án BEPS. BEPS.
Thực tiễn cho thấy BEPS là một vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có một giải pháp mang tính tổng thể trên cơ sở hợp tác đa phương, trong khi khả năng ngăn chặn BEPS bằng các biện pháp đơn phương và song phương như hiện nay không khả thi, do số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn và giao dịch phức tạp.
Ông Bùi Văn Nam nhấn mạnh, triển khai thực hiện các biện pháp BEPS là một nỗ lực quốc tế quan trọng của cả các nước phát triển và đặc biệt là các nước đang phát triển, nhằm đảm bảo tính công bằng và nâng cao hiệu quả thu của các hệ thống thuế trên toàn cầu.
Vì vậy, BEPS đã được lựa chọn là một trong những chủ đề thảo luận ưu tiên cho năm APEC 2017, trong đó tập trung vào việc thảo luận các khó khăn/thách thức thực hiện bốn tiêu chuẩn tối thiểu của diễn đàn hợp tác cùng thực hiện BEPS và tham gia hiệp định đa phương.
BEPC và nỗ lực APEC
Theo Bộ Tài chính, sáng kiến BEPS trong khuôn khổ hợp tác tài chính APEC lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự tại Peru 2016. APEC 2016 tập trung vào khuyến khích các nền kinh tế thành viên áp dụng các chuẩn mực về minh bạch thuế và ký kết tham gia Công ước Hỗ trợ Hành chính về các vấn đề thuế (MAAC) và hiệp định giữa các cơ quan có thẩm quyền về trao đổi báo cáo giữa các quốc gia.
Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tại Peru năm 2016 đã nêu: “Chúng tôi cam kết với nỗ lực cao nhất để giải quyết vấn đề trốn thuế, lậu thuế trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Với quyết tâm đó, chúng tôi khuyến khích các nền kinh tế APEC tăng cường tính liêm chính của hệ thống thuế bằng việc áp dụng các chuẩn mực về minh bạch thuế đã được quốc tế nhất trí và ký kết các văn kiện như 2 điều ước sau đây của OECD: công ước hỗ trợ hành chính về các vấn đề thuế (MAAC) và Hiệp định giữa các cơ quan có thẩm quyền về trao đổi báo cáo giữa các quốc gia…”.
BEPS đặc biệt thiết thực với các nền kinh tế đang phát triển giúp bảo vệ nguồn thu và duy trì, mở rộng cơ sở tính thuế. Việt Nam bị ảnh hưởng nguồn thu chính đáng từ hành vi trốn thuế được thể hiện rõ nhất qua chuyển giá hay các giao dịch qua biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử.
"Kết quả của hội thảo này sẽ được báo cáo lên Hội nghị Thứ trưởng Tài chính vào ngày 23/2/2017 và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính vào tháng 10/2017 nhằm đưa hợp tác APEC 2017 đi vào thực chất hơn, phục vụ thiết thực cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của cả khối APEC cũng như từng thành viên…", ông Bùi Văn Nam nhấn mạnh./.