Ba nguyên nhân khiến condotel hấp thụ kém
Nhận định này được một số chuyên gia công bố tại buổi họp báo về thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội quý II/2019 diễn ra mới đây.
Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, quý II/2019 ghi nhận có hơn 5.000 sản phẩm mới đưa ra thị trường nhưng chỉ giao dịch thành công gần 1.400 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ thấp, đạt hơn 27%.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm có hơn 11.800 sản phẩm đưa ra thị trường nhưng chỉ giao dịch thành công gần 3.000 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt 25%.
Thiếu niềm tin pháp lý
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng có ba nguyên nhân khiến condotel có tỷ lệ hấp thụ kém.
Thứ nhất, nguồn cung condotel mới hạn chế bởi việc chậm triển khai các thủ tục dự án và chưa có nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển dòng sản phẩm này.
Thứ hai, các nhà đầu tư chưa thật sự yên tâm để quyết định đầu tư do các chính sách cũng như việc quản lý, vận hành, khai thác kinh doanh condotel. Nếu có đầu tư cũng chủ yếu vào các dự án của các chủ đầu tư lớn, có uy tín, kinh nghiệm trong việc quản lý, kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Thứ ba, việc siết chặt các nguồn vốn tín dụng vào BĐS góp phần làm tính thanh khoản của các sản phẩm condotel chậm hơn. Đồng thời, các sản phẩm condotel hiện có giá tương đối cao cũng ảnh hưởng đến lượng giao dịch.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở miền Bắc và miền Trung của Savills Việt Nam, trước việc BĐS nghỉ dưỡng vẫn chưa rõ ràng tính pháp lý, nhiều khách hàng có ý định đầu tư đã rút lui.
“Điều đó cho thấy một bộ phận khách hàng thiếu niềm tin vào tính pháp lý, nhưng có một bộ phận vẫn đầu tư và coi đây là một kênh để sinh lời”, ông Hiển nói.
Theo ghi nhận của Savills, thị trường đang có sự phân chia khá linh động về mức giá. Nhiều dự án condotel với mức giá hợp lý, dao động từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/căn đã xuất hiện trên thị trường.
Nếu đầu tư căn condotel trị giá 1 tỷ đồng tại khu vực phát triển mạnh về du lịch thì vào mùa cao điểm, giá thuê đạt được có thể lên đến 2 triệu đồng/đêm. Như vậy, trong một tháng, chủ sở hữu chỉ cần cho thuê 10 ngày là có thể thu về 20 triệu đồng. Trong khi đó, ở các thành phố lớn, suất đầu tư lớn hơn nhiều lần, một căn hộ chung cư giá 2 – 3 tỷ đồng nhưng tiền thuê cả tháng chỉ thu về 11 – 15 triệu đồng.
Theo ông Hiển, BĐS nghỉ dưỡng vẫn là một lựa chọn đầu tư đáng chú ý trong thời gian tới. Đặc biệt, BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam rất có tiềm năng do có lợi thế đường bờ biển hơn 3.000km nhưng chưa được khai thác xứng tầm. Bên cạnh đó, du lịch được Chính phủ xác định là một trong những ngành mũi nhọn về phát triển kinh tế.
Tiềm năng vẫn lớn
Tuy nhiên, BĐS du lịch là loại hình khá đặc thù, do đó nhà đầu tư khi đổ tiền vào phân khúc này cần chú trọng uy tín của chủ đầu tư.
“Yếu tố uy tín cần được xem xét ở các tiêu chí như chủ đầu tư là ai, đã có kinh nghiệm phát triển trên thị trường chưa, những sản phẩm đã phát triển trước đó đã thành công chưa?… Ngoài ra, nhà đầu tư cần chú trọng đến cả đơn vị vận hành các sản phẩm nghỉ dưỡng”, ông Hiển lưu ý.
Một điều quan trọng khác mà tất cả các nhà đầu tư bắt buộc phải quan tâm là tính pháp lý, bao gồm pháp lý của cả dự án và pháp lý của hợp đồng được ký kết giữa nhà đầu tư với đơn vị quản lý vận hành. Phần lớn các nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng đến từ Hà Nội và Tp.HCM, trong khi sản phẩm lại ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Về bản chất, “nước xa không cứu được lửa gần”, nên nếu xảy ra vấn đề thì nhà đầu tư không thể tới ngay được.
Ở một số dự án, sau khi khách mua sản phẩm, đơn vị quản lý sẽ đứng ra ký hợp đồng thuê. Do đó, nhà đầu tư phải quan tâm đến từng chi tiết trong hợp đồng để đảm bảo những gì mà chủ đầu tư, phía đơn vị quản lý cam kết. Tức là những điều khoản được đưa ra trong hợp đồng phải được thực hiện đúng, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Đáng lưu ý là condotel không chỉ phát triển tại các tỉnh ven biển, mà hiện nay phát triển tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Theo một số chuyên gia, đây là thời điểm hoàn hảo để đầu tư ở hai thành phố này.
Về tiềm năng, 10 năm nữa dự kiến Việt Nam sẽ vượt Thái Lan về lượng khách du lịch. Hiện tại, hạ tầng du lịch đang được chú trọng đầu tư, mọi vấn đề đang hướng tới mục tiêu phía trước.
“Condotel đang có những khó khăn nhất định nhưng hãy nhìn vào xu hướng phát triển du lịch. Khi chúng ta đầu tư thì hoàn toàn có thể hòa vốn trong vòng 5 năm”, một chuyên gia của CBRE chia sẻ.
Theo ông Đính, các địa phương có lợi thế về du lịch và hệ thống giao thông thuận tiện, đặc biệt có kết nối bằng đường hàng không như Phú Quốc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh… tiếp tục được đánh giá là các khu vực có tiềm năng phát triển mạnh về BĐS nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, một số khu vực có tiềm năng phát triển như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Thuận, Vũng Tàu… vẫn nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư trên cả nước.