Bác đơn khởi kiện của sữa Danlait
(Tài chính) Chiều ngày 27/9, Tòa hành chính – TAND TP. Hà Nội đã tuyên án đối với vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Mạnh Cầm (đơn vị độc quyền và phân phối sữa Danlait ở Việt Nam) và bị đơn là ông Vương Trí Dũng, Phó chi cục Trưởng - Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội.
Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm cũng không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của Công ty Mạnh Cầm; và bác các yêu cầu khác.
Như ĐTCK đã đưa tin về phiên tòa xét xử vụ kiện này, Công ty Mạnh Cầm đã khởi kiện đề nghị Tòa án hủy bỏ Quyết định xử phạt hành chính do Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội ban hành. Đồng thời yêu cầu bồi thường 1,25 tỷ đồng vì cho rằng việc ông Vương trí Dũng thông tin tới cơ quan báo chí thông tin sai sự thật về chất lượng đã ảnh hưởng tới thương hiệu làm cho sữa Danlait không bán được.
Phiên tòa diễn ra trong 2 ngày và sau 3 ngày nghỉ nghị án, HĐXX đã tuyên án. Theo đó, sau khi nghiên cứu đánh giá tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ cũng như được thẩm định trực tiếp tại phiên tòa, HĐXX cho rằng yêu cầu khởi kiện của Công ty Mạnh Cầm là không có căn cứ.
Cụ thể, HĐXX xét thấy quy định về chức năng, nhiệm vụ thì cơ quản quản lý thị trường cơ quan quản lý thị trường có quyền xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa, phạt tiền các sản phẩm dinh dưỡng vi phạm pháp luật. Trong trường hợp đặc biệt, người có thẩm quyền xử phạt hành chính có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện.
Tại báo cáo của Đội quản lý thị trường số 12, Chi cục trưởng đã ủy quyền về quyết định xử phạt Công ty Mạnh Cầm cho Phó chi cục trưởng là ông Vương Chí Dũng.
Đội 12 phát hiện hóa đơn bán hàng chênh lệch của Công ty Mạnh Cầm, phiếu xuất kho thể hiện giá bán ra là 400 – 410.000 đồng/lon sữa trong khi hóa đơn giá trị gia tăng dùng làm căn cứ tính thuế với Nhà nước thể hiện giá bán ra là 115.000 đồng/lon sữa. Do đó, cần xác minh làm rõ. Việc tạm giữ 190 phiếu xuất là có căn cứ, việc chuyển phiếu xuất kho sang cơ quan thuế để xem xét, giải quyết là hoàn toàn phù hợp.
Công ty Mạnh Cầm yêu cầu hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như đòi lại số phiếu xuất kho trên của Công ty Mạnh Cầm là không có căn cứ.
Về hành vi cung cấp thông tin cho báo chí của ông Vương Trí Dũng, Tòa xét thấy, tại công văn của Ban tuyên giáo Hà Nội đã đề nghị lãnh đạo chi cục quản lý thị trường tham gia cuộc họp. Việc ông Vương Chí Dũng phát biểu tại cuộc giao ban này là được mời đến không thuộc đối tượng khởi kiện nên không được xem xét trong phiên tòa này.
Về khiếu kiện không bảo quản lô hàng dẫn đến hư hỏng, xét thấy, Công ty đã nhận được lô hàng vào tháng 5/2013, việc tạm giữ 5.600 lon sữa và gửi mẫu đi là do đội 12 thực hiện không phải hành vi của chi cục trưởng. Do đó, việc yêu cầu Chi cục trưởng ra thông báo đến cơ quan báo chí đạt chất lượng không thuộc trách nhiệm.
Về số lon sữa nằm trong các thùng bị rách, kết quả từ Viện an toàn thực phẩm quốc gia cho thấy đều đạt chuẩn, việc Công ty sau đó không bán được hàng là thuộc trách nhiệm của Công ty, không thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường. Do vậy, theo HĐXX, việc yêu cầu Chi cục trưởng bồi thường không được chấp thuận.
Bà Nguyễn Thị Sinh, đại diện pháp lý cho Công ty TNHH Mạnh Cầm đưa ra mức thiệt hại hơn 24 tỷ đồng nhưng chỉ yêu cầu bồi thường hơn 1,25 tỷ đồng. Nhưng tại phiên tòa, bà Sinh không có chứng cứ chứng minh thiệt hại mà chỉ được ra các hình ảnh cũ nát của lô hàng. Mặt hàng sữa hộp cũng không phải là mặt hàng đặc biệt, cần có quy định riêng về bảo quản nên không có căn cứ để bồi thường.
Từ đó, HĐXX đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Mạnh Cầm với Chi cục quản lý thị trường Hà Nội và không chấp nhận yêu cầu bồi thường của Công ty này.