Loạt bài: Tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, dành nguồn lực cho phát triển

Bài 2: Thắt chặt kỷ cương trong chi tiêu công

Thùy Linh

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức, việc sử dụng ngân sách nhà nước một cách hiệu quả, minh bạch và tiết kiệm là nhiệm vụ cấp thiết để duy trì sự phát triển bền vững. Bên cạnh nỗ lực tinh gọn bộ máy, việc siết chặt kỷ cương tài chính và cắt giảm chi tiêu công đang trở thành một nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đã và đang triển khai quyết liệt.

Chi tiêu ngân sách nhà nước hợp lý, hiệu quả sẽ giúp Đất nước có nhiều nguồn lực cho phát triển. Ảnh: Internet.
Chi tiêu ngân sách nhà nước hợp lý, hiệu quả sẽ giúp Đất nước có nhiều nguồn lực cho phát triển. Ảnh: Internet.

Giảm ngay từ thời điểm dự toán

Siết chặt kỷ cương tài chính, cắt giảm chi tiêu ngay từ thời điểm dự toán, giảm chi thường xuyên… chưa bao giờ được triển khai quyết liệt như hiện nay, nhất là trong bối cảnh Đất nước cần nhiều nguồn lực tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp cũng như thực hiện các mục tiêu lớn về đầu tư và phát triển.

Xuất phát từ thực tế đó, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước được đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đóng vai trò then chốt trong việc quản lý “túi tiền” quốc gia, thời gian qua, Bộ Tài chính đã đề xuất thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn trong quản lý ngân sách, như: rà soát, sửa đổi, bổ sung chế độ định mức chi tiêu ngân sách; quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chỉ được chi khi có dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào ngân sách nhà nước đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi… Đây là các biện pháp để thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương ngân sách.

Bên cạnh đáp ứng đủ nguồn cho các khoản chi trong dự toán, các khoản chi cấp bách phát sinh, cho con người và an sinh xã hội, Bộ Tài chính đã yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương triệt để tiết kiệm, hạn chế tối đa các khoản chi mua ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, tiết giảm các nhiệm vụ không thực sự cấp bách, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Qua thống kê cho thấy, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn trước đây, từ năm 2016 - 2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2022 và 2023, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu cắt giảm ngay từ khâu dự toán 10%  chi  thường  xuyên  ngoài các khoản chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, các khoản chi cho con người  và  một  số  nhiệm  vụ không  thể  cắt  giảm.  Với  các nguyên tắc cắt giảm như trên, đến  hết  năm  2020  cắt  giảm ngay từ khâu dự toán khoảng 930 tỷ đồng; năm 2021, 2022 giảm  thêm  khoảng  180  tỷ đồng/năm  và  năm  2023  tiếp tục cắt giảm khoảng 90 tỷ đồng so với năm 2022.

 

Hàng năm và trong mỗi giai đoạn, Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có các chỉ tiêu về tiết kiệm chi thường xuyên. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính cũng có những chỉ đạo, điều hành cụ thể cho từng năm. Có những thời điểm khó khăn như những năm vừa qua, ngoài tiết kiệm theo quy định, ngành Tài chính yêu cầu các cấp ngân sách phải tiết kiệm thêm để bổ sung nguồn cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, các chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cũng như tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết khác.

Nhìn chung, theo nhận định của các chuyên gia, công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước thời gian qua được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách có chuyển biến tích cực, tập trung chi cho đầu tư phát triển. Bước đầu đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải; bảo đảm các khoản chi an sinh xã hội và các lĩnh vực quan trọng. Trong bối cảnh thu ngân sách còn khó khăn, vẫn phải bội chi ngân sách, thì việc triệt để tiết kiệm  được coi là  một  trong những giải pháp hiệu quả, để chúng ta có thêm nguồn để chi cho  các  nhiệm  vụ  cấp bách phát sinh, các khoản chi cần kíp không có trong dự toán.

Cần sự chung tay

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động. Trước thực tế đó, việc tiết kiệm chi ngân sách nhà nước được xem là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm sự ổn định tài chính và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tại Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tưởng Chính phủ được ban hành đầu năm 2024 đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương đó là bảo đảm giai đoạn 2021 - 2026, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63% tổng chi ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng dưới 60%.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao để tăng cho đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần quán triệt yêu cầu triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Có thể thấy, mục tiêu mà Chính phủ giao là không dễ thực hiện, đòi hỏi phải giảm dần qua từng năm. Nhất là khi đâu đó, vẫn còn đơn vị sử dụng ngân sách chưa đúng mục đích, chưa tiết kiệm, hiệu quả, nên vẫn phải thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay và cả những giai đoạn tiếp theo vẫn tiếp tục tăng cường hơn nữa kiểm tra, kiểm soát trong thực thi các nhiệm vụ chi tiêu công. Trong bối cảnh thu ngân sách còn khó khăn, vẫn phải bội chi ngân sách, thì việc triệt để tiết kiệm  được  coi  là  một  trong những giải pháp hiệu quả, để chúng ta có thêm nguồn để chi cho  các  nhiệm  vụ  cấp  bách phát sinh, các khoản chi cần kíp không có trong dự toán.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tiết kiệm chi ngân sách không chỉ đơn thuần là cắt giảm các khoản chi tiêu, mà còn là việc cải thiện chất lượng chi, đảm bảo rằng từng đồng ngân sách được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao nhất. Điều này đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ trong việc phân bổ và giám sát chi tiêu công, từ cấp trung ương đến địa phương. Các chương trình, dự án đầu tư công cần được rà soát kỹ lưỡng để tránh tình trạng lãng phí, thất thoát và thiếu minh bạch. Việc này có thể được thực hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và công khai minh bạch thông tin tài chính, tạo điều kiện để người dân và các tổ chức giám sát.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các chính sách tiết kiệm chi cần được thực hiện song song với các biện pháp nâng cao nguồn thu ngân sách như đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và đầu tư, cũng như chống thất thu thuế. Cải cách hành chính cần tập trung vào việc loại bỏ các thủ tục rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và góp phần vào tăng trưởng kinh tế. “Việc phát triển một nền kinh tế minh bạch và bền vững sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cân bằng ngân sách mà không làm suy giảm phúc lợi xã hội. Các chính sách và biện pháp tiết kiệm chi cần được xây dựng dựa trên sự đồng thuận và cam kết của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước đến người dân và doanh nghiệp”, ông Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Có thể nói, tiết kiệm chi ngân sách là một giải pháp chiến lược nhằm đảm bảo nguồn lực cho phát triển bền vững. Để đạt được điều này, cần sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ từ mọi cơ quan, tổ chức trong hệ thống nhà nước, cũng như sự ủng hộ và đồng thuận từ xã hội. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ và cam kết mạnh mẽ, chúng ta mới có thể tận dụng tối đa nguồn lực hiện có, hướng tới một tương lai phát triển thịnh vượng và bền vững.

 

Tinh giản biên chế và cắt giảm chi thường xuyên là những bước đi cần thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững của quốc gia. Thực hiện đúng và đồng bộ các giải pháp này không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính công, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và xã hội.