Bức tranh chi tiêu công sau 5 năm thực thi khuyến nghị đánh giá
Các khuyến nghị của Báo cáo đánh giá chi tiêu công 2014 cơ bản đã được các cơ quan, đơn vị triển khai đầy đủ, đạt kết quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu, thực tiễn công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) những năm qua và cả trong thời gian tới.
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam năm 2014 do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới phối hợp nghiên cứu và được thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ, Bộ các vấn đề toàn cầu của Canada nghiên cứu và công bố. Nội dung của Báo cáo này đã giúp Chính phủ, các nhà quản lý trong hoạch định chính sách nhằm tạo dư địa tài khóa đáp ứng các nhiệm vụ chi tiêu chính, đồng thời đảm bảo bền vững tài khóa; chi tiêu công ở các cấp Trung ương và địa phương gắn kết tốt hơn với các ưu tiên của quốc gia...
Sau 5 năm thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo, Việt Nam đã đạt được các kết quả tích cực trong công tác quản lí chi tiêu công. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đã được triển khai một cách tích cực, hiệu quả, đóng góp tốt hơn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, Báo cáo đánh giá chi tiêu công năm 2014 đã đưa ra 68 khuyến nghị nhằm giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cân nhắc lựa chọn những ưu tiên trong cải cách quản lý tài chính công để đem lại hiệu quả cao hơn trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển.
“Từ năm 2017 đến nay, nhiều khuyến nghị của báo cáo đánh giá chi tiêu công đã được luật hóa và đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực trong các hoạt động: xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm theo hình thức cuốn chiếu, xây dựng Luật Quản lý nợ công mới và các văn bản hướng dẫn áp dụng nhiều kinh nghiệm tốt quốc tế, lập báo cáo tài chính nhà nước, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài, tập trung đầu tư các tuyến hành lang vận tải, các tuyến đường bộ trọng yếu, đường cao tốc, xử lý các điểm ách tắc...”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết.
96% số khuyến nghị của Báo cáo đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó trên 60% các khuyến nghị này đã hoàn thành. Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, báo cáo đánh giá chi tiêu công đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc tư vấn cho Chính phủ hoạch định chính sách quản lý, cải cách tài chính công thời gian vừa qua.
Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tân cũng nhấn mạnh, việc thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo đã giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Đồng thời, thông qua việc thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo, Việt Nam đã áp dụng các thông lệ quốc tế tốt về quản lý chi tiêu công; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình gắn với tăng cường tự chủ của các địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách; tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tài chính - NSNN và đầu tư công.
Tăng cường minh bạch ngân sách
Các khuyến nghị của Báo cáo đánh giá chi tiêu công 2014 tập trung vào 3 nội dung chính: đảm bảo bền vững tài khóa; nâng cao trách nhiệm giải trình về kết quả; gắn kết tốt hơn giữa chi tiêu công với những ưu tiên của quốc gia.
Thông tin về những kết quả cụ thể sau 5 năm thực hiện Báo cáo này, ông Nguyễn Minh Tân cho biết, về thu NSNN, quy mô thu được cải thiện, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 25,2% GDP. Tỷ trọng thu nội địa tăng dần, đạt 59,5% tổng thu NSNN (2006-2010) lên 68,7% (2011-2015) và đến năm 2020 đạt 85,6%; về chi NSNN, tỷ trọng chi bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP).
Giảm dần tỷ trọng dự toán chi thường xuyên từ mức 65,1% tổng chi NSNN năm 2017 xuống dưới 63,1% năm 2020. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,45% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội. Quy mô nợ công giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020, các chỉ tiêu dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.
“Việc thực hiện các khuyến nghị đã góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo dư địa ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện thành công mục tiêu “kép” năm 2020 vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2,91%, thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất, Việt Nam giữ nguyên được hệ số tín nhiệm, nâng triển vọng lên tích cực”, ông Nguyễn Minh Tân đánh giá.
Ông Nguyễn Minh Tân cũng cho biết, với mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư công, chúng ta đã gắn kế hoạch tài chính với kế hoạch kinh tế - xã hội của đất nước với các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế đất nước, ngành, cơ cấu lại đầu tư của ngành; gắn chi đầu tư phát triển với chi thường xuyên. Bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động trong bố trí và sử dụng vốn đầu tư, qua đó nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực.
Bên cạnh đó, thực hiện báo cáo đánh giá chi tiêu công đã giúp tăng cường mức độ toàn diện và minh bạch ngân sách. Luật NSNN đã bổ sung nhiều quy định nhằm tăng tính toàn diện và minh bạch của ngân sách, trong đó đã xác định rõ phạm vi thu, chi ngân sách; phạm vi và cách tính bội chi NSNN tiếp cận với thông lệ quốc tế.
Thông tin về NSNN được công khai đầy đủ, kịp thời. Bộ Tài chính đã xây dựng và triển khai Cổng Công khai NSNN thống nhất trên phạm vi toàn quốc, góp phần củng cố kỷ luật tài khóa và cải thiện chỉ số minh bạch ngân sách quốc gia, qua đó cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia. Cùng với đó, để giúp Quốc hội đánh giá hiệu quả chi tiêu công, kiểm tra giám sát hoạt động tài chính nhà nước cũng như đánh giá năng lực sự tín nhiệm của nền tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội...
Tuy nhiên, việc thực hiện khuyến nghị còn một số hạn chế. Trong đó, đối với những khuyến nghị chậm triển khai, Bộ Tài chính cho biết, một số quy định về tài chính – NSNN chậm sửa đổi, chưa theo kịp thực tiễn; việc triển khai quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ còn khó khăn. Bên cạnh đó, việc bổ sung một số chính sách thu để bao quát tốt hơn nguồn thu, mở rộng cơ sở thu còn chậm và gặp khó khăn từ dư luận xã hội; quy định pháp lý về việc thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt tính ổn định của chính sách không cao.