Loạt bài: Đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy
Bài 3: Dựng "lá chắn thép", ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào nội địa
Đấu tranh phòng chống ma túy là "cuộc chiến" nóng bỏng, đầy cam go và lâu dài. Cuộc chiến này đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì, sát cánh của các lực lượng chức năng cùng tạo thành "lá chắn thép", không để ma túy xâm nhập vào Việt Nam.
Nguy cơ gia tăng tội phạm ma túy
Cùng với sự "biến hóa" ngày càng tinh vi của tội phạm ma túy, các loại ma túy mới ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Các chất ma túy được sản xuất từ các loại cây truyền thống, chất kích thích tổng hợp và các loại thuốc phiện, các loại thuốc được kê đợn và các chất hướng thần mới... với phương thức sản xuất tinh vi. Do đó, nhiều tiền chất, hợp chất mới thay thế, trà trộn cùng các loại thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng… rất khó kiểm soát.
Ma túy tổng hợp có xu hướng chiếm lĩnh thị trường ma túy bất hợp pháp, hoạt động sản xuất và tiêu thụ ma túy tổng hợp đang lan rộng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình như khu vực Trung Á, Đông Nam Á, Trung – cận Đông, châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ do sản xuất dễ dàng, nhanh chóng, chi phí thấp.
Khu vực “Tam giác vàng” (nằm giữa biên giới 3 nước Lào, Thái Lan, Myanmar), “Lưỡi liềm vàng” (khu vực biên giới giữa các nước Afghanistan, Pakistan, Iran, Tajikistan) và “Tam giác trắng” (khu vực biên giới tiếp giáp giữa các nước Peru, Colombia, Bolivia, Mexico) vẫn là 03 điểm nóng nhất thế giới về sản xuất, cung cấp các loại ma túy. Trong đó, các băng nhóm tội phạm đưa ma túy từ "Tam Giác Vàng" qua Campuchia, Lào về Việt Nam vẫn diễn ra rất manh động và dự báo còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Vừa qua, Cục Hải quan Quảng Trị đã xác lập chuyên án mang bí số MT579 phối hợp với lực lượng phòng chống ma túy của Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Quảng Trị đấu tranh, bắt giữ 09 đối tượng mang quốc tịch Lào đang có hành vi vận chuyển 100kg ma túy đá được gia cố trên trần xe ô tô khách 12 chỗ ngồi nhập cảnh từ Lào vè Việt Nam. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam bị lực lượng hải quan phối hợp phát hiện.
Nhìn từ thực tế bắt giữ các vụ vận chuyển, mua bán trái phép ma túy thời gian qua có thể thấy nguy cơ gia tăng loại tội phạm này vào Việt Nam vẫn hiện hữu. Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ ở cả 3 tuyến: đường hàng không, tuyến đường biển và đường bộ. Bên cạnh đó, tiền chất nhập khẩu cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng, sử dụng điều chế, sản xuất trái phép ma túy.
Theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Hùng Anh, để đấu tranh với tội phạm ma túy, lực lượng Hải quan phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như: việc mua bán và gửi hàng qua phương thức điện tử rất dễ dàng, trong khi ma túy mua bán không trả tiền trước, các đối tượng có thể theo dõi được thời gian vận chuyển cũng như thời gian thông quan kiện hàng đã gửi. Nếu hàng về đến Việt Nam nhưng quá thời gian mà chưa được thông quan đối tượng sẽ bỏ hàng.
Hoặc, tội phạm ma túy cất giấu ma túy trong các lô hàng vận chuyển đường biển khó kiểm tra như hàng đông lạnh, nước tẩy rửa, thức ăn gia súc, đồ gỗ, hàng nông sản, hạt nhựa, máy móc, đá granit xuất khẩu… Trong khi đó, hiện tượng các đối tượng lợi dụng tuyến đường biển để mua bán, vận chuyển ma túy ngày càng gia tăng... Tình hình trên đòi hỏi lực lượng chức năng phải tiếp tục "căng mình" đấu tranh phòng chống.
Hiệp đồng tác chiến
Mặc dù đã phối hợp phá nhiều chuyên án, vụ việc, bắt giữ số lượng rất lớn ma túy các loại, triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm nhưng lực lượng hải quan cũng như các lực lượng chuyên trách khác luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh trước nguy cơ loại tội phạm này.
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh cho hay, để ngăn chặn có hiệu quả các đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam cần có sự hợp tác hiệp đồng tác chiến chặt chẽ của các lực lượng chức năng. Quá trình tham gia chuyên án, lực lượng Hải quan đã tăng cường thu thập, phân tích, đánh giá thông tin, tài liệu liên quan đến đường dây tội phạm này và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ theo quy định trong quá trình triển khai chuyên án và tổ chức phá án.
Lực lượng hải quan đã, đang và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ngay từ giai đoạn trao đổi, xác minh thông tin đến xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nhanh chóng, kịp thời bóc gỡ đường dây, ổ nhóm của các đối tượng phạm tội về ma túy.
Xác định ma túy là vấn nạn toàn cầu, không một quốc gia nào có thể đơn độc trong cuộc chiến với loại tội phạm nguy hiểm này, một trong các giải pháp quan trọng khác tiếp tục được ngành Hải quan triển khai thời gian tới là tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy. Trong đó, có việc phối hợp triển khai thành công Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI, tiếp tục là điểm sáng trong phối hợp đa phương phòng chống buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các chất ma tuý trong nước cũng như khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Là một trong những địa bàn được dự báo còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn tội phạm ma túy, đại diện Lãnh đạo Cục Hải quan Nghệ An cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị điều tra nghiên cứu nắm tình hình tại các địa bàn trọng điểm về ma túy, thu thập thông tin, sưu tra, tuần tra hải quan… Song song với đó là sử dụng có hiệu quả các công cụ, phương tiện hỗ trợ được trang cấp nhất là tại khu vực cửa khẩu.
Hải quan Nghệ An cũng sẽ nâng cao hiệu quả phát hiện ma túy qua công tác tiếp nhận, làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, đảm bảo giám sát chặt chẽ hành lý hàng hóa hành khách xuất nhập cảnh trong khu vực kiểm tra, giám sát hải quan. Đồng thời, tăng cường phối kết hợp trong và ngoài Ngành để bắt giữ, xử lý và ngăn chặn có hiệu quả hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy và tiền chất trong khu vực cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý...
Tại Lễ khai mạc và tuần hành hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024 vừa qua, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, công tác phòng, chống ma túy đòi hỏi phải được triển khai mọi lúc, mọi nơi, phải làm liên tục, không ngừng, không nghỉ, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, tuyệt đối không chủ quan, chùng xuống, để ma túy không còn đất sống, giữ gìn sự bình yên của Nhân dân.
Nhắc đến công tác phối hợp trong đấu tranh ngăn chặn “nguồn cung” ma túy, Trung tướng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, các lực lượng chức năng mà chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng các lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan cần phát huy vai trò chủ trì, nòng cốt, chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu; triệt xóa, giải quyết dứt điểm các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát... “không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế” theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Có thể thấy, đấu tranh phòng chống ma túy là cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt, lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Dù đó là hành trình dài với muôn vàn gian nan, thử thách phía trước nhưng nếu có sự hiệp đồng quyết liệt của tất cả các lực lượng chức năng sẽ tạo nên "lá chắn thép" ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam, giữ bình yên cho Đất nước.