Loạt bài: Vững tay điều hành giá trước những cơn sóng lớn
Bài 4: Chủ động ứng phó "sóng gió" giá cả cuối năm bằng hành động quyết liệt
Để vượt qua những sóng gió trong giai đoạn cuối năm, công tác điều hành giá không chỉ cần một chiến lược tổng thể, mà còn đòi hỏi những hành động quyết liệt và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chính sách để biến thách thức thành cơ hội.
Bài 1: Hiệu quả từ những “van giảm áp” trong nửa đầu năm
Bài 2: Trụ cột chính sách tài khoá, "làm mềm" áp lực lên CPI
Bài 3: Ngược sóng, ngược gió tìm kịch bản cho những tháng cuối năm

“Hy sinh” có kiểm soát cho mục tiêu tăng trưởng
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 được tổ chức vào ngày 16/7/2025, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, với kịch bản 1 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%, còn kịch bản 2 xác định ở mức đạt 8,3 - 8,5%. Bộ Tài chính đề nghị phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2, nhằm tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.
Dù ở kịch bản nào, Bộ Tài chính cũng xác định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm sẽ vào khoảng 4,5 - 5%. Mức tăng này dù cao hơn các năm trước, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng mục tiêu mà Quốc hội đã thống nhất điều chỉnh hồi đầu năm.
Theo các chuyên gia, việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao thì phải chấp nhận “hy sinh” lạm phát ở mức nhất định, nhưng cũng hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh chỉ số CPI và lạm phát của Việt Nam đã duy trì mức thấp trong nhiều năm qua, nhờ kiên định thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với thúc đẩy tăng trưởng.
Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế cao thì chính sách tài khóa phải mở rộng hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ tạo áp lực nhất định lên lạm phát, việc nâng CPI lên mức cao hơn là hợp lý.
Dù vậy, “hy sinh” không có nghĩa là buông lỏng, mà điều này đặt ra cho công tác điều hành giá nhiệm vụ phải giữ cho lạm phát đi đúng kịch bản, không trượt khỏi tầm kiểm soát.
Vì thế, không chỉ tại Hội nghị ngày 16/7/2025, mà đã nhiều lần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, thúc đẩy giải ngân đầu tư công 100%... Đồng thời lưu ý, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả, hỗ trợ, thúc đẩy, nương tựa nhau để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Quyết liệt hành động
Hồi tháng 2/2025, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đã nêu lên nhiều yêu cầu đối với công tác điều hành giá trong năm 2025.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến của thị trường trong nước và thế giới, nhất là diễn biến cung - cầu các loại hàng hóa chiến lược, thiết yếu đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân để xây dựng các kịch bản, giải pháp một cách linh hoạt để sẵn sàng ứng phó với những biến động.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tinh thần là phải quản một cách chặt chẽ và theo đúng kịch bản… để điều hành giá năm 2025 "thật tốt, thật chủ động, thật cụ thể và thật hiệu quả”.
TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính cho rằng, các cơ quan chức năng cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát và giá cả; cũng như phải phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa - tiền tệ - điều hành vĩ mô.
Đồng thời cần triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và phát triển thị trường trong nước…
Những yêu cầu này vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến thời điểm hiện nay, để các đơn vị tiếp tục thực hiện từ nay đến cuối năm, giúp công tác điều hành giá đạt theo đúng các mục tiêu đề ra.
Cũng về vấn đề này, theo TS. Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), để điều hành giá và kiểm soát lạm phát hiệu quả trong những tháng cuối năm, các cơ quan quản lý cần điều chỉnh hợp lý giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước quản lý để tránh cộng hưởng giá.
Điều này có nghĩa là các nhà điều hành cần xây dựng một “lịch trình” điều chỉnh giá khoa học, tránh tăng giá đồng loạt nhiều mặt hàng nhạy cảm trong cùng một thời điểm. Việc lựa chọn những tháng có áp lực lạm phát dự báo ở mức thấp để hành động sẽ giúp giảm thiểu tác động lên mặt bằng giá chung.

Ngoài ra, thực tế cho thấy, sốt giá cục bộ thường xảy ra do gián đoạn nguồn cung. Vì thế, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần có kịch bản ứng phó linh hoạt với các tình huống bất thường như thiên tai, bão lũ; tăng cường kết nối cung - cầu giữa các vùng miền để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh thị trường nhạy cảm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý có thể gây ra những bất ổn nghiêm trọng. Vì vậy, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá là một giải pháp không thể thiếu.
Mặt khác, lạm phát không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề tâm lý, chỉ một tin đồn cũng có thể tạo hiệu ứng lạm phát kỳ vọng, khiến giá cả hàng hoá neo cao.
Bởi vậy, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề nghị phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Như vậy, trong bối cảnh ưu tiên cho tăng trưởng, các giải pháp điều hành giá cần được thực thi một cách đồng bộ và quyết liệt vì mục tiêu chung, giữ cho “con tàu” kinh tế đi đúng hải trình đã định, vừa tăng tốc mạnh mẽ, vừa vững vàng trước mọi cơn sóng lớn.