Loạt bài: Nâng cao chất lượng công bố thông tin doanh nghiệp niêm yết
Bài 5: Phát huy tính minh bạch, trách nhiệm và chuyên nghiệp trong công bố thông tin
Theo chuyên gia Ngô Vĩnh Bạch Dương – Viện Nhà nước và pháp luật, cải thiện chất lượng công bố thông tin là một quá trình lâu dài và cần sự nỗ lực của cả doanh nghiệp trong việc thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và minh bạch thông tin.
Phóng viên: Thưa ông, việc công bố thông tin chính xác và kịp thời quan trọng thế nào với doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán?
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Việc công bố thông tin chính xác và kịp thời là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của thị trường chứng khoán. Đối với doanh nghiệp niêm yết, công bố thông tin là một nghĩa vụ pháp lý và là cơ sở để nhà đầu tư đánh giá hoạt động của doanh nghiệp và đưa ra quyết định đầu tư. Đối với nhà đầu tư, việc tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời là điều kiện tiên quyết để họ có thể ra quyết định đầu tư hiệu quả.
Thực tiễn cả trong và ngoài nước cho thấy, không hiếm những trường hợp tin đồn hoặc thông tin giả mạo hoặc việc che giấu thông tin gây ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu hoặc cả thị trường chứng khoán. Yêu cầu về công bố thông tin chính xác kịp thời sẽ giải quyết được cơ bản tình trạng "mua tin đồn bán sự thật" như vậy.
Phóng viên: Mức độ liên quan giữa việc công bố thông tin hiệu quả và nhận diện thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp là như thế nào?
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Tính liên quan ở đây là rất cao. Có thể vắn tắt như thế này:
Về nhận diện thương hiệu, đây là việc khách hàng biết tới những sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Khi doanh nghiệp công bố thông tin hiệu quả, nhà đầu tư sẽ có được cái nhìn tổng quan về doanh nghiệp, bao gồm thông tin về sản phẩm, dịch vụ, hoạt động kinh doanh, chiến lược phát triển... Điều này sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về doanh nghiệp và hình thành nhận thức tích cực về thương hiệu của doanh nghiệp.
Về uy tín của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp công bố thông tin hiệu quả, nhà đầu tư sẽ thấy rằng, doanh nghiệp đó là một đơn vị minh bạch, có trách nhiệm và đáng tin cậy, dẫn đến quyết định mua và nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp mà họ tin tưởng.
Cần nhắc lại là công bố thông tin hiệu quả trước hết đó phải là hoạt động công bố “thông tin” (information) chứ không phải công bố “thông tin giả mạo” hay “thông tin sai lệch” (disinformation), tức là nó phải đúng, phải phản ánh trung thực doanh nghiệp đó tại thời điểm công bố, từ bộ máy quản trị, hiệu quả kinh doanh, các sản phẩm, các nghĩa vụ sau bán hàng,...
Còn về tính hiệu quả của việc công bố thì cũng có rất nhiều tiêu chí nhưng có thể chỉ ra các điểm chính là: Tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư và cổ đông; Tăng cường sự hiểu biết của nhà đầu tư về doanh nghiệp.
Việc công bố thông tin sáng tạo, hấp dẫn sẽ giúp doanh nghiệp thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng tốt với nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là điểm dễ xảy ra các hiện tượng truyền thông phóng đại, tạo nên những ngộ nhận quá mức của công chúng.
Phóng viên: Vậy các doanh nghiệp cần chú trọng vào yếu tố gì để cải thiện chất lượng công bố thông tin của mình?
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Việc cải thiện chất lượng công bố thông tin là một quá trình lâu dài và cần sự nỗ lực của cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện nghiêm túc để đạt được hiệu quả mong muốn. Quá trình này, tôi cho rằng, cần thiết có 3 yêu cầu cơ bản sau:
Về minh bạch: Doanh nghiệp cần công bố thông tin một cách minh bạch, không che giấu hoặc bóp méo thông tin.
Về trách nhiệm: Doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm về tính chính xác và kịp thời của thông tin công bố.
Về chuyên nghiệp: Doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân viên có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực công bố thông tin.
Đáp ứng được 3 yêu cầu trên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể cải thiện chất lượng công bố thông tin của mình.
Phóng viên: Theo ông, làm sao để quản lý rủi ro trong việc công bố thông tin, đặc biệt là trong bối cảnh những vi phạm trong công bố thông tin có thể tác động lớn đến thị trường và cổ đông?
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Quản lý rủi ro trong việc công bố thông tin ở đây, theo tôi cần nhìn dưới các góc độ doanh nghiệp và quản lý nhà nước.
Từ góc độ quản lý nhà nước, theo đánh giá của tôi, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán khá hoàn chỉnh, góp phần hạn chế và quản lý các rủi ro trong công bố thông tin. Các nội dung đã được Luật Chứng khoán năm 2019 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành quy định rõ. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể hơn về công bố thông tin, nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, pháp luật về công bố thông tin vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục, chẳng hạn như:
Đầu tiên, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh: Mức phạt vi phạm trong công bố thông tin hiện nay được cho là còn thấp, chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm. Với nhiều vụ việc, mức xử phạt vi phạm hành chính chưa tương xứng với hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra. Trong nhiều trường hợp, mức phạt thấp có thể tạo ra tâm lý sẵn sàng đánh đổi để thu được lợi ích kinh tế lớn hơn.
Đặc biệt, việc thi hành pháp luật còn cần thiết phải hoàn thiện thêm. Công tác giám sát, kiểm soát cần chặt chẽ hơn nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, việc xác minh thông tin của các thiết chế hữu quan như kiểm toán cũng còn nhiều tồn tại. Không hiếm trường hợp được kiểm toán giúp sức “làm đẹp” hồ sơ tài chính cũng đã cho thấy ban hành pháp luật đầy đủ nhưng thực thi không tốt, không phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm thì hệ thống pháp luật khó đạt được mục đích điều chỉnh của nó.
Đối với doanh nghiệp, họ cần xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được quá trình công bố thông tin, từ việc xác định thông tin cần công bố, đến việc lập và công bố thông tin.
Hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp cần được xây dựng dựa trên các quy định pháp luật về công bố thông tin, cũng như các quy định nội bộ của doanh nghiệp; Tổ chức đào tạo nhân lực về công bố thông tin và truyền thông để có thể thực hiện công bố thông tin một cách chính xác và kịp thời; Ứng dụng công nghệ, từ đó có thể giúp doanh nghiệp quản lý và kiểm soát quá trình công bố thông tin một cách hiệu quả hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!