Bài toán sử dụng hiệu quả vốn trái phiếu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Việt Nam đã có một năm bội thu khi huy động vốn trái phiếu, nhưng sử dụng hiệu quả nguồn vốn này vẫn là thách thức

 Năm 2014, Bộ Tài chính đã huy động được 234.000 tỉ đồng trái phiếu, tăng 30% so với năm trước. Nguồn: nhipcaudautu.vn
Năm 2014, Bộ Tài chính đã huy động được 234.000 tỉ đồng trái phiếu, tăng 30% so với năm trước. Nguồn: nhipcaudautu.vn

Trái phiếu chính phủ đã có một năm bội thu khi hầu hết các mục tiêu đặt ra đều đạt được, thậm chí vượt kế hoạch. Cụ thể, năm 2014 Bộ Tài chính đã huy động được tới 234.000 tỉ đồng trái phiếu, tăng đến 30% so với năm trước. Kỳ hạn trái phiếu chính phủ cũng được kéo dài so với các năm trước với mức 4,95 năm. Trong đó, lượng trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài hơn, từ 5 năm trở lên đã chiếm gần một nửa khối lượng phát hành.

Đáng chú ý là lần đầu tiên kể từ năm 2010, Việt Nam đã quay trở lại thị trường vốn quốc tế để huy động thành công 1 tỉ USD trái phiếu. Mặc dù so với tổng khối lượng phát hành, lượng trái phiếu này chỉ chiếm khoảng 9% nhưng việc phát hành thành công là một minh chứng cho thấy hình ảnh Việt Nam đang trở lại một cách mạnh mẽ trong mắt các nhà đầu tư thế giới.

Thừa thắng xông lên, trong năm nay Bộ Tài chính dự kiến sẽ phát hành lượng trái phiếu chính phủ lên tới 441.000 tỉ đồng. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu phát hành tiếp 1 tỉ USD trái phiếu để hoán đổi các khoản nợ cũ có lãi suất cao, cũng như tìm thêm nguồn vốn tài trợ mới từ bên ngoài.

Mới đây, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã ngỏ ý muốn mời Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng yen tại Nhật. Hiện các ngân hàng nước này đang dư thừa tiền khi Ngân hàng Trung ương Nhật liên tục thực hiện các gói kích thích tiền tệ trong thời gian qua.

Có lẽ trong điều kiện lãi suất bằng USD đang tăng lên, việc xem xét huy động vốn bằng các đồng tiền có chi phí rẻ hơn như đồng yen là điều cũng nên cân nhắc. Nếu so về mức độ rủi ro, đồng yen Nhật được xem là có rủi ro cao hơn so với đồng bạc xanh vì thanh khoản kém hơn, nhưng so với các đồng tiền khác, nó vẫn được giới tài chính đánh giá là đồng tiền an toàn.

Nhìn lại diễn biến phát hành năm ngoái có thể thấy Chính phủ đã khá khôn ngoan khi nhanh tay điều chỉnh chính sách phát hành trái phiếu để hưởng được các mức lãi suất thấp hơn, huy động khối lượng lớn hơn, có kỳ hạn dài hơn và hoán đổi phần nào các khoản nợ có lãi suất cao trước đó. Những động thái này cho thấy kỹ năng quản lý của các nhà điều hành chính sách đang dần mang tính kỹ trị và chủ động hơn với diễn biến thực tế.

Một tin vui khác đối với thị trường trái phiếu là trong năm nay, bộ chỉ số thị trường trái phiếu sau thời gian nghiên cứu xây dựng đã chính thức có mặt trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội. So với việc xây dựng bộ chỉ số cổ phiếu, chỉ số trái phiếu phức tạp hơn nhiều. Do đó, đây là nỗ lực đáng tự hào, có thể mang lại những tác động lớn tích cực.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bộ chỉ số trái phiếu này được kỳ vọng sẽ giúp minh bạch hóa thông tin trên thị trường trái phiếu, là công cụ quảng bá về mức độ phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam tới các nhà đầu tư quốc tế. Trong tương lai, chỉ số trái phiếu sẽ là cơ sở để phát triển thêm các sản phẩm phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn.

Rõ ràng, Việt Nam đang làm khá tốt việc thu hút nguồn vốn từ trái phiếu. Thế nhưng, việc sử dụng nguồn vốn như thế nào cho hiệu quả dường như vẫn còn là một thách thức, mặc dù trong những năm gần đây, chính sách siết chặt đầu tư công luôn được các bộ ngành công bố là ưu tiên hàng đầu trong điều hành.

Theo Bộ Tài chính, trong năm nay Bộ sẽ không chỉ tích cực tìm kiếm các nguồn vốn mới, mà còn theo đuổi chính sách siết chặt lại việc phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng chống dàn trải, ưu tiên bố trí vốn cho thanh toán nợ xây dựng cơ bản và hoàn trả các khoản vốn ứng trước. Bộ Tài chính cũng sẽ ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành, có khả năng hoàn thành trong năm 2015 và sẽ không bố trí vốn cho các dự án mới không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hoặc chưa thực sự cần thiết.

Nhìn chung, Việt Nam vẫn duy trì chính sách bội chi ngân sách trong nhiều năm qua và đó là một điểm trừ về mặt tài khóa, làm hạn chế phần nào hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam. Mới đây, một đánh giá của Ngân hàng HSBC nhìn nhận Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong ngắn và trung hạn, dù tăng trưởng đã sáng sủa hơn.

Theo ngân hàng này, việc cấp vốn cho các dự án hạ tầng là mối lo thực sự, bởi vì nguồn thu ngân sách của Việt Nam từ dầu mỏ giảm trong năm 2015 có thể sẽ kéo theo tổng thu ngân sách giảm. Trong khi đó, phạm vi để cắt giảm chi tiêu rất hạn chế, vì nhu cầu xã hội rất lớn cũng như nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào các dự án như đường giao thông. Vì thế, HSBC cho rằng năm nay thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ vào khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội, cao hơn nhiều so với mục tiêu 5% mà Chính phủ đề ra.