Bán ấu trùng, kiếm tiền triệu mỗi ngày ở Sơn La
Bắt đầu từ tháng 11 dương lịch, dọc các con đường lên Tây Bắc có thể bắt gặp những chiếc lều nhỏ của bà con dân tộc, bán thứ đặc sản vô cùng độc đáo - sâu chít
Đi tìm loài sâu nơi đại ngàn Tây Bắc
Sâu chít là mặt hàng đang được săn lùng, mua nhiều ở các tỉnh phía Bắc thời gian gần đây, với nhiều mức giá thành khác nhau, nhưng điểm chung là không hề rẻ.
Theo anh Quý, chủ 1 cửa hàng chuyên bán đặc sản dân tộc ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, sâu chít ở chỗ anh chỉ bán theo mùa, chuyển trực tiếp từ Lạng Sơn, Điện Biên hoặc Sơn La xuống. Cửa hàng anh Quý chỉ cung cấp sâu chít tươi, với giá khoảng 100.000 đồng/100 ngọn chít, không bán sâu làm sẵn, nhưng tiêu thụ rất chạy, thậm chí có hôm không đủ hàng giao cho khách.
“Mùa lạnh thế này có chén rượu sâu chít thơm thơm, ngồi bên bàn nhậu nóng hổi thì không còn gì bằng. Thời điểm này cách Tết còn có hơn 1 tháng, nên nhiều người mua về ngâm rượu lắm, để kịp đem ra dùng”, anh Quý chia sẻ.
Trên 1 trang web chuyên bán các sản phẩm làm từ sâu chít tại Hà Nội, giá của loại đặc sản này cao ngất ngưởng. Tươi thì giá khoảng 80.000-200.000/bó tuỳ số lượng, ngâm rượu thì 400.000 đồng/bình cho đến cả triệu đồng, còn loại sâu chẻ sẵn đã tráng qua rượu và ủ lạnh thì 950.000 đồng/kg.
Anh Tùng (31 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) nghe một số bạn bè rỉ tai rằng, loại sâu này vừa có thể làm mồi nhậu ngon, lại vừa có tác dụng "tăng công lực" chuyện giường chiếu, nên anh đã lặn lội lên tận Mộc Châu để mục sở thị món đặc sản núi rừng này. Sau khi nếm thử rượu sâu chít tại chỗ, anh đã không ngần ngại vác hẳn 10 kg sâu chít tươi về ăn dần, với mức giá 120.000 đồng/kg.
Để tìm hiểu về loại đặc sản có tên gọi lạ lẫm này, PV cũng đã tìm về tận vùng núi Sơn La. Sở dĩ có tên gọi sâu chít vì loài ấu trùng này chỉ sinh trưởng trên cây chít (hình dáng giống lau sậy) mà thôi.
Lang thang khắp bản Vân Hồ (Mộc Châu) vào một ngày đầu tháng 12 mù sương rét buốt, PV may mắn gặp được một người đàn ông bản địa vừa đi chặt chít trên rừng về. Anh đang giao hàng cho một lái buôn đem về dưới xuôi. Trò chuyện với anh, tôi biết được khá nhiều điều thú vị về loài sâu này.
Anh bảo: “Thực ra chúng là ấu trùng của bướm, chỉ có từ tháng 11 đến tháng 2 dương lịch thôi. Bướm đẻ trứng lên ngọn cây chít, sau 2-3 tháng ăn hết lõi cây thì nở thành con ngài. Vào mùa thì chúng tôi rủ nhau vào rừng thu hoạch, cứ tìm những ngọn chít bị cụt, phần trên phình to hơn bình thường thì chắc chắn ngọn đó có chít. Quen mắt thì nhìn qua biết ngay”.
Anh bẻ thử một ngọn chít tươi cho tôi xem, bên trong quả nhiên có chú sâu nhỏ chừng 3 đốt ngón tay, vàng ươm nằm trong ruột cây rỗng. Mỗi ngọn chỉ có duy nhất 1 con mà thôi.
Ai yếu tim thì có thể sẽ sợ hãi khi nhìn thấy những chú sâu này. Tuy nhiên chúng rất lành, thậm chí còn không thể di chuyển khi bị tách ra khỏi thân cây chít.
Các cửa hàng bán đặc sản tại Mộc Châu và thương lái dưới xuôi lên thu mua của anh và bà con khác với số lượng nhiều lắm, giá khoảng vài chục nghìn 1 bó trăm cây. Chỗ ngọn chít anh đem bán hôm nay cũng được khoảng 300 nghìn.
Người nào chăm chỉ vạch rừng đi kiếm những chỗ có cây chít, thì cả mùa cũng kiếm được bạc triệu. Chỗ bông chít chặt bỏ đi lại mang về bó thành chổi, đem bán cũng được thêm chút tiền.
Loài“đông trùng hạ thảo” của Việt Nam chữa được bách bệnh
Ở các vùng núi Lào Cai, Điện Biên, Sơn La…người H’Mông gọi những con ấu trùng bướm ẩn mình trong thân cây này là sâu song, người Dao gọi là sâu thau. Chúng được chế biến thành các món ăn như hấp, nướng, xào, rán trứng…rất hấp dẫn, ai ăn món này 1 lần dễ bị ghiền không thể quên. Đặc biệt món sâu chít hấp chấm mắc khén, nhâm nhi với chút rượu men lá, cảm giác rất khó tả không gì sánh được.
Ngoài làm món ăn, sâu chít được dùng chủ yếu để ngâm rượu. Không phải ngẫu nhiên mà nó được xếp vào 1 trong 10 loại mỹ tửu của Việt Nam, vượt lên trên hàng ngàn loại rượu dân tộc, đặc sản khác.
Cách ngâm rượu sâu chít cũng khá công phu, cầu kỳ, sau khi chẻ chít lấy sâu, phải ngâm vào nước lã từ 1-2 tiếng, để sâu tiết hết chất bẩn, sau đó vớt ra rửa sạch, tráng qua với rượu 1 lượt rồi mới bỏ vào bình ngâm. Mà phải chọn đúng loại rượu nếp, không lẫn tạp chất gì, pha theo tỉ lệ 1 kg sâu với 5 lít rượu.
Cận cảnh sâu chít sau khi chúng được tách ra khỏi cây
Khác với các loại rượu ngâm như táo mèo, ba kích, rắn rết, bìm bịp…thì sâu chít 10 ngày hút rượu sẽ căng mọng lên, kích thước tăng gấp đôi, bắt đầu dậy mùi thơm đặc trưng của ấu trùng non ăn tinh hoa khắp núi rừng Tây Bắc.
Sâu chít có thành phần dinh dưỡng rất cao, 25-32% protein, gấp nhiều lần thực phẩm khác, lại chứa 17/20 loại axit amin quan trọng. Khi nấu lên có hương vị rất thơm ngon, béo ngậy mà không bị ngán, bởi vậy rất thích hợp làm đồ ăn bồi dưỡng người suy nhược, ốm yếu. Ngoài ra, còn có thể xay sâu ra làm bột cho trẻ nhỏ ăn, rất bổ và lành tính.
Thịt sâu chít còn có tác dụng cường dương, rất tốt cho nam giới, bồi bổ khí huyết, chức năng sinh dục, hỗ trợ đắc lực cho các quý ông trong chuyện "phòng the" không kém viagra.
Về nguyên nhân khiến sâu chít được coi là “đông trùng hạ thảo” của Việt Nam, y học cổ truyền đã nghiên cứu loài này có vị cam, ôn, đại bổ phế, thận và mệnh môn, chữa ho, thổ huyết, suyễn, di tinh…Đại học Y Hà Nội cũng từng công bố một đề tài nghiên cứu về thành phần hoá học và ý nghĩa y học của sâu chít, cho thấy sâu chít chứa lượng axit amin gấp 3 lần đông trùng hạ thảo “xịn” nguồn gốc Trung Quốc.
Đặc biệt, sâu chít có khả năng “gây độc” cho tế bào ung thư, nghĩa là loại thực phẩm này có khả năng hỗ trợ bệnh nhân xạ trị ung thư. Tuy nhiên đến nay vẫn còn ít người biết đến vị thuốc dân gian hữu ích này.
Phân biệt sâu chít giả - sâu chít thật
Với những công dụng to lớn như trên, cùng giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường lớn, mặt hàng sâu chít đang bị làm giả, làm “nhái” khá nhiều.
Sản phẩm từ sâu chít thật có giá khá cao
Anh Quý, chủ cửa hàng buôn các loại đặc sản Tây Bắc ở Hà Nội cho biết, từng có một số khách hàng gọi điện nói rằng họ thấy nơi khác bán sâu chít hình dạng gần giống loại anh bán, nhưng chất lượng thấp hơn hẳn, lại không có mùi thơm. Vậy đâu mới là sâu thật?
Tiếp xúc với chị Hương, chủ 1 cửa hàng lớn buôn các loại đặc sản núi rừng ở thị trấn Mộc Châu, chị bảo:“Một số người đã lấy sâu tre hoặc củ ba kích để giả làm sâu chít khô, bởi 2 loại này có hình dáng, màu sắc khá giống sâu chít. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ thì vẫn nhận ra được 2 loại này có điểm khác biệt với sâu chít thật”.
Mỗi năm tới mùa là cửa hàng của chị Hương bán sâu chít rất chạy, người mua khá đông, cả khách du lịch lẫn lái buôn dưới xuôi, đa phần ưa chuộng sản phẩm rượu sâu chít. Trung bình mỗi ngày chị thu về khoảng 30-40 triệu đồng từ việc bán sâu chít cùng các loại đặc sản khác, có hôm còn được 50-60 triệu.
Nhiều người vì trục lợi mà lấy sâu tre giả làm sâu chít
(Ảnh: thanhnien.com.vn)
Chị cũng chia sẻ, ai quan tâm tìm mua loại sâu này nên chú ý các đặc điểm sau: sâu chít thật thân rất mềm, màu vàng, da trong suốt nhìn rõ bên trong, không có chân, đặc biệt chúng không thể bò hay di chuyển khi đã lấy ra khỏi ngọn chít, chỉ có thể nằm im ngọ nguậy thôi.
Còn loại sâu tre mà một số nơi lấy bán lừa khách, chúng có thân cứng, toàn thân màu trắng, da dày, có chân, dọc 2 bên có nhiều chấm đen, bò lúc nhúc khi bắt ra khỏi ống tre.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết mùa sâu chít. Với những người sành sỏi, thì sở hữu một bình rượu sâu chít trong nhà đã là thú ăn chơi hợp thời, hợp mốt. Nếu đã nếm thử hương vị của loài ấu trùng này, chắc chắn dư âm của nó sẽ khiến người ta nhớ mãi, nhấp đầu môi là cảm giác thấy phong vị núi rừng nguyên sơ, đong đầy tinh hoa trong một chén rượu chít.