Hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp nông thôn trong tình hình mới

Trần Huyền

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số nội dung, quy định về khuyến công tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP cần được rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình hiện nay nhằm hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực khuyến công. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về phát triển công nghiệp nông thôn trong tình hình mới.

Khuyến công đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ảnh: internet
Khuyến công đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ảnh: internet

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Sau khi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công được Chính phủ ban hành ngày 21/5/2012, đến nay, công nghiệp nông thôn trên cả nước thông qua chính sách khuyến công đã đạt được một số kết quả nhất định.

Khuyến công đã động viên và huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Chương trình khuyến công đã khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy vậy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, các chủ trương, định hướng về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Đảng và Nhà nước đã có sự điều chỉnh đáng kể. Đặc biệt, với sự ra đời của 02 nghị quyết quan trọng của Ban chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một số nội dung, quy định về khuyến công tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP cần được rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình hiện nay.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định  số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công. Dự thảo đã bổ sung đối tượng áp dụng là các cơ sở sản xuất và tiêu dùng bền vững cập nhật theo Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030; đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, phù hợp với chính sách quản lý và phát triển cụm công nghiệp quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. 

Dự thảo cũng điều chỉnh thẩm quyền phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia từng giai đoạn từ “Thủ tướng Chính phủ” thành “Bộ Công Thương”. Quy định này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững để phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, cập nhật theo quy định tại Quyết định số 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương, tổ chức, cá nhân thuận lợi trong việc xác định mô hình, quy trình về sản xuất và tiêu dùng bền vững để triển khai nội dung hoạt động khuyến công.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về chuyển đổi số trong hoạt động khuyến công để phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng để tạo cơ sở pháp lý trong việc xác định và triển khai nội dung hoạt động khuyến công về chuyển đổi số.

Sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung hoạt động khuyến công

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định  số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, Bộ Công Thương đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung hoạt động khuyến công. Trong đó, đề xuất bổ sung quy định cụ thể về hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các giải pháp, phần mềm, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, bổ sung nội dung hoạt động khuyến công về hỗ trợ tổ chức các cuộc thi tay nghề thợ giỏi, thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhằm có chính sách khuyến khích và hỗ trợ đội ngũ nghệ nhân thợ giỏi trong việc tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển nghề, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm ngành nghề truyền thống; gìn giữ, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa làng nghề.

Bộ Công Thương cũng đề xuất loại bỏ các nội dung không hiệu quả, không ghi nhận hoạt động hỗ trợ và số liệu đánh giá trong nhiều năm qua như: Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp thành lập các hiệp hội, hội ngành nghề; Hỗ trợ xây dựng các cụm liên kết doanh nghiệp công nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, lãi suất vốn vay cho các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng loại bỏ nội dung đã được pháp luật khác điều chỉnh như hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp. Cập nhật, điều chỉnh mới các quy định về hỗ trợ một số hoạt động phát triển cụm công nghiệp trong chính sách khuyến công đảm bảo phù hợp với pháp luật có liên quan và thực tiễn triển khai. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện các nội dung hoạt công liên quan, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đạt hiệu quả, đồng thời góp phần đảm bảo quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp bền vững, trật tự, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương...

Theo Bộ Công Thương, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định  số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực khuyến công. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về phát triển công nghiệp nông thôn trong tình hình mới.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm khơi thông, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác tối đa các thế mạnh về đầu tư, sản xuất, quản lý, khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân ở khu vực nông thôn.