Bán lẻ trước làn sóng ngoại: Lẻ loi một con đường?
(Tài chính) Các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam đang được ví như gái "quá lứa lỡ thì" vừa kém xuân, vừa đuối sức. Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu không sớm "bật đèn xanh" cho DN nội được kết hôn với các hãng ngoại, cũng như có chính sách "đối xử" công bằng hơn, thì nguy cơ DN nội bị loại ra khỏi cuộc cạnh tranh không cân sức trên thị trường bán lẻ Việt Nam là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Khẳng định có không ít DN bán lẻ của Việt Nam hiện đều đang kinh doanh "lỗ", ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái, phân tích để đầu tư một cửa hàng tiện lợi bán 24 giờ, cần số vốn ban đầu ít nhất lên đến 100.000 USD.
Yếu đủ đường, DN nội lỗ "kép"
Đáng chú ý là để hoạt động hiệu quả, các DN phải xây dựng ít nhất 300 điểm bán mới có thể… hoà vốn. Trong khi cả nước hiện có khoảng từ 500 – 700 cửa hàng tiện lợi, chia cho hàng chục thương hiệu, DN sở hữu nhiều nhất cũng chỉ có khoảng hơn 100 cửa hàng. Do đó, ông Đoàn cho rằng hầu hết các DN kinh doanh cửa hàng tiện lợi hiện đều chịu "lỗ kép", không chỉ lỗ do kinh doanh mà còn lỗ do lãi vay quá cao.
Trên thực tế, nhiều khi giữ được mức lỗ "chịu được" như các DN kinh doanh cửa hàng tiện lợi lại là… niềm mơ ước đối với DN kinh doanh siêu thị. Bởi các DN này không chỉ lỗ mà còn phải đối diện với nguy cơ… vỡ nợ. Vị đại diện của Tập đoàn Phú Thái chỉ ra thực tế là có những DN vay đến vài nghìn tỷ để đầu tư chuỗi hệ thống 4 – 5 siêu thị nên không thể có lãi.
Nhìn nhận bức tranh bán lẻ, ông Đoàn cho rằng hiện chỉ có SaigonCo.op là nhà bán lẻ nội lớn nhất đang kinh doanh có lãi, với mức lãi lên đến 1.000 tỷ đồng/năm (tương đương 50 triệu USD). Song thành tích này cũng không "thấm tháp" vào đâu với DN ngoại, như WalMart – gã khổng lồ trong ngành bán lẻ cũng đang "nhòm ngó" Việt Nam, lãi một quý đã lên đến 50 tỷ USD. Do đó, các chuyên gia lo ngại rằng chỉ cần những ông lớn như WalMart trích một phần nhỏ trong số lãi của họ để đầu tư vào Việt Nam, thì các DN nội cũng đủ để "tan tác".
Không chỉ yếu vốn, công nghệ quản trị và kỹ năng xây dựng thương hiệu đang là những "gọng kìm" kẹp chặt khiến các DN bán lẻ nội. Ông Đoàn kể câu chuyện bị "choáng ngợp" khi sang thăm hệ thống cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản, khi có đến hàng nghìn điểm bán, mỗi ngày có hàng nghìn chuyến xe vận chuyển hàng hoá đến các hệ thống.
Ngoài ra, sự "yếu thế" về thương hiệu cũng khiến cho các DN bán lẻ khó có thể cạnh tranh với DN ngoại. Điển hình như với Metro, do có "tiếng" hơn hẳn nên có thể dễ dàng đàm phán "mua rẻ" với nhà cung cấp, sản xuất và "bán rẻ" cho người tiêu dùng.
Dẫn chứng về thực tế này, bà Loan cho biết nhiều địa phương đang "trải thảm đỏ" ưu tiên cho DN ngoại với hàng loạt các chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, phí… Trong khi được ưu ái đủ đường, nhiều DN ngoại còn báo lỗ, không đóng thuế thu nhập DN trong nhiều năm, như trường hợp của Metro.
Bạo vì tiền, ngoại lấn sâu
"Chỉ cần DN nội 2 năm không đóng thuế, đã đứng ngồi không yên, đằng này Metro 11 năm không đóng thuế, lại còn tự ý bán lẻ trong khi chỉ được bán buôn, hay xây dựng trung tâm lớn, "chình ình" nằm ngay giữa trung tâm thành phố… mà không hề hấn gì. Đó là sự bất công đối với các DN bán lẻ nội địa, đã yếu sức lại còn chịu nhiều thiệt thòi trong một cuộc chiến không cân sức", bà Loan bức xúc.
Cùng chung nỗi niềm trên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc khu vực miền Bắc của SaigonCo.op, tỏ ra khá lo ngại trước tình trạng DN bán lẻ ngoại đang cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Như với Metro, giấy phép một đằng, song lại kinh doanh một nẻo khi các gian hàng của hãng này đang cho thấy họ bán lẻ chứ không phải bán sỉ như đã đăng ký.
"Các chính sách quản lý hiện đang có độ vênh, nên rất cần các cơ quan quản lý xây dựng một sân chơi bình đẳng, công bằng cho các DN, tránh chuyện để ngoại chèn ép nội", ông Dũng nói. Trong khi các DN ngoại sở hữu nhiều khu đất vàng, được thoải mái kinh doanh ở phần "ngon" nhất của thị trường, là những khu trung tâm thành phố, có sức mua lớn, thì những DN nội lại phải "vạc khúc xương". Như trường hợp của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), khi mỗi năm phải hoàn thành hơn 400 chuyến hàng đưa về nông thôn. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Hapro, đặt câu hỏi: "Tại sao DN nước ngoài không làm mà chỉ tập trung vào chỗ có sức mua của người dân?". Được biết, những chuyến hàng này dù đã được Nhà nước hỗ trợ lãi vay ưu đãi, song cũng tiêu tốn khá nhiều tiền của và công sức của DN.
Theo cam kết quốc tế, nhiều chính sách bán lẻ đang dần "nới" ra cho các DN ngoại rộng đường làm ăn. Như vừa rồi, chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài có vốn dưới 45% hoặc có các cơ sở bán lẻ dưới 500m2 không phải kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), hoặc được miễn áp dụng quy định đối với một số mặt hàng không được phép phân phối như lúa gạo, đường, thuốc lá, sách báo…
Theo bà Loan, quy định này sẽ mở đường cho các DN ngoại lấn sân kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng nhỏ chuyên doanh, tức là "đánh" trực diện vào hệ thống cửa hàng chuyên doanh, siêu thị nhỏ như SatraFood, CoopFood, Fivimart… Đặc biệt, sang năm 2015, khi thị trường mở cửa hoàn toàn, DN bán lẻ ngoại mở rộng đầu tư nhiều hơn, sẽ càng tạo nên sức ép lớn cho DN nội.
Theo ông Đoàn, dù có phải nghiên cứu 10 năm nữa, bán lẻ Việt cũng không thể theo kịp DN ngoại, nên con đường "khả quan nhất" là liên doanh, liên kết để học hỏi. Do đó, Nhà nước cần "bật đèn xanh" để cho các DN được sớm chọn đối tác liên doanh khi còn có thể, trước khi thị trường mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, việc tự doanh hay liên doanh là lựa chọn của từng DN, song nếu liên doanh, DN cần phải rất cảnh giác và "tính kỹ" để tránh trường hợp vốn của DN nội teo tóp dần và có nguy cơ thôn tính.
Chưa có DN bán lẻ Việt Nam nào để ý hoặc bỏ công ra nghiên cứu thị trường đầy đủ, bài bản và thực sự có số liệu thống kê chuẩn. Nên không có quy hoạch và luôn đi sau DN ngoại. Thời gian qua mới chỉ có các DN nước ngoài đầu tư nghiên cứu thị trường, thói quen người tiêu dùng. Chúng ta có lợi thế là người nhà – am hiểu chính người Việt, quen thị trường mà chúng ta không thể nghiên cứu được, phải dùng, phải "học mót" của nước ngoài. Đây chính là sự bị động của DN bán lẻ Việt Nam.