Bán tháo tạo cơ hội cho nhà đầu tư giá trị

Theo Vũ Duy Bắc/tinnhanhchungkhoan.vn

Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc cùng thị trường thế giới, nhưng tình trạng bán tháo trên diện rộng khiến nhiều cổ phiếu giao dịch dưới mức tiền mặt của doanh nghiệp.

Sở hữu lượng tiền mặt lớn sẽ giúp các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, hoặc thực hiện bình ổn giá chứng khoán bằng cách mua cổ phiếu quỹ.
Sở hữu lượng tiền mặt lớn sẽ giúp các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, hoặc thực hiện bình ổn giá chứng khoán bằng cách mua cổ phiếu quỹ.

Tuần qua, nhà đầu tư liên tiếp đón hai cú sốc. Ðầu tiên, dịch cúm Covid-19 trên thế giới lây lan rộng và nhiều nước châu Âu không kiểm soát được dịch, khiến dịch bùng phát.

Tiếp theo là cú sốc giá dầu khi trái với kỳ vọng rằng OPEC và thành viên có thể cắt giảm sản lượng thì lại tăng sản lượng.

Các yếu tố trên gây tâm lý hoang mang cho giới đầu tư, hiện tượng bán tháo chứng khoán diễn ra ở mọi nơi: Mỹ, châu Âu, châu Á...

Tại Việt Nam, Chính phủ nỗ lực chống dịch Covid-19, thực hiện nhiều biện pháp nhằm khống chế để dịch không lây lan và trong 23 ngày không có số ca nhiễm mới.

Tuy nhiên, số ca nhiễm mới xuất hiện vào cuối tuần trước đó, cộng với diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, dẫn tới hành động bán tháo trên diện rộng.

Kết thúc tuần giao dịch, các chỉ số chính như VN-Index, VN30, HNX-Index lần lượt giảm 14,55%, 14,27% và 10,8%. Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đây là tuần giảm điểm mạnh nhất của các chỉ số chính trên thị trường.

Không ít cổ phiếu giảm giá mạnh hơn mức trung bình của thị trường, mở ra cho nhà đầu tư giá trị cơ hội xem xét về mặt định giá doanh nghiệp, về kế hoạch kinh doanh cũng như nhiều yếu tố khác để xem xét từng cổ phiếu.

Bán tháo tạo cơ hội cho nhà đầu tư giá trị - Ảnh 1

Ðối với các doanh nghiệp, trong giai đoạn khó khăn, lượng tiền là yếu tố sống còn, quyết định xem doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn ngắn hạn, thậm chí tận dụng được cơ hội để gia tăng tăng thị phần.

Thống kê trên sàn, không ít doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn, vay nợ ít và thị giá cổ phiếu đang hấp dẫn do lượng tiền mặt/cổ phiếu cao hơn thị giá.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Ðầu tư Phát triển Nhà Ðà Nẵng (NDN) hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó bất động sản là mảng đóng góp dòng tiền lớn nhất cho doanh nghiệp.

Do đặc thù ngành bất động sản khi thực hiện dự án có độ trễ giữa thu tiền và ghi nhận lợi nhuận, nên dù NDN đã nhận tiền đặt cọc của khách hàng nhưng vẫn chưa ghi nhận doanh thu.

Ðiều này làm cho số dư tiền mặt của doanh nghiệp cuối năm 2019 đạt 1.085 tỷ đồng, tương đương 22.644 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá trên sàn là 13.500 đồng/cổ phiếu.

Ngoài lượng tiền mặt lớn, doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức tiền mặt năm 2019 ở mức tối thiểu 16%. Trong quý I/2020, NDN dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận từ dự án đang triển khai và đã thu tiền cọc của nhà đầu tư.

Ðối với Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), lượng tiền mặt cuối năm 2019 là 9.692,1 tỷ đồng, tương đương 20.276 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, cổ phiếu trên sàn đang được giao dịch ở mức giá 11.000 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm do khối lượng công việc có thể giảm vì các đơn vị khai thác dầu thường hạn chế khai thác trong bối cảnh giá dầu xuống thấp, nhưng giá cổ phiếu PVS hiện ở vùng đáy hơn 5 năm, bao gồm giai đoạn giá dầu lao dốc năm 2014 - 2015.

Hiện tại, giá dầu Brent đang ở vùng đáy đầu năm 2016 là 34,5 USD/thùng.

Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển Ðô thị Công nghiệp số 2 (D2D) có 1.446,6 tỷ đồng tiền, tương đương 67.916 đồng/cổ phiếu, trong khi giá thị trường của cổ phiếu hiện là 47.000 đồng/cổ phiếu.

Ðược biết, D2D là doanh nghiệp phát triển đất khu công nghiệp cho thuê và dự án khu đô thị, mặc dù doanh nghiệp có thu tiền cho thuê đất dài hạn và tiền đặt cọc mua dự án bất động sản, nhưng chưa ghi nhận lợi nhuận, dòng tiền nhận cọc giúp doanh nghiệp tích luỹ được khối lượng tiền mặt lớn.

D2D sẽ ghi nhận lợi nhuận này trong tương lai khi bàn giao dự án, cũng như quá trình cho thuê mặt bằng tại khu công nghiệp.

Không ít doanh nghiệp khác sở hữu lượng tiền mặt lớn như Tổng công ty khí Việt Nam - CTCP (GAS) với 29.390,9 tỷ đồng, chiếm 47,14% tổng tài sản.

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) có 16.842 tỷ đồng, chiếm 50,57% tổng tài sản.

Công ty cổ phần Phát triển Ðô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) có 286,6 tỷ đồng, chiếm 42,62% tổng tài sản.

Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH) có 848,9 tỷ đồng, chiếm 33,54% tổng tài sản; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) có 17.476 tỷ đồng, chiếm 28,24% tổng tài sản.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có 31.271 tỷ đồng, chiếm 52,72% tổng tài sản.

Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà (PHR) có 1.907,2 tỷ đồng, chiếm 32,58% tổng tài sản…

Có thể thấy, thị trường liên tục xuất hiện các phiên bán tháo làm giá trị vốn hoá nhiều doanh nghiệp giảm mạnh, nhưng xuất hiện không ít cổ phiếu có thị giá giảm xuống dưới giá trị tiền mặt của doanh nghiệp.

Sở hữu lượng tiền mặt lớn sẽ giúp các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, hoặc thực hiện bình ổn giá chứng khoán bằng cách mua cổ phiếu quỹ.