Bàn về vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý

ThS. Trần Thế Hệ, Đại học Luật – Huế

Hiện nay, một số quy định liên quan vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP đang tạo ra những cách hiểu khác nhau, phần nào gây khó khăn trong việc áp dụng. Tạp chí điện tử Tài chính giới thiệu bài viết của tác giả Trần Thế Hệ (Đại học Luật - Huế) để có góc nhìn rõ hơn về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, khi đến hạn trả nợ mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì các tổ chức tín dụng (TCTD) có quyền xử lý quyền đòi nợ để thu hồi nợ theo hai phương thức đó là có thể yêu cầu người có nghĩa vụ trả nợ trả một khoản tiền hoặc chuyển giao tài sản khác cho mình hoặc cho người được ủy quyền khi xử lý tài sản thế chấp.

Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 có sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, nhưng quy định liên quan thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý tại Điều 63 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP vẫn giữ nguyên. Điều đáng nói là quy định này đang dẫn đến hai cách hiểu:

Thứ nhất, người có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền phát sinh từ quyền đòi nợ hoặc giao một tài sản bất kì thay thế và có giá trị tương đương khoản tiền đó.

Thứ hai, người có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền nếu quyền đòi nợ là một khoản tiền, còn nếu quyền đòi nợ là một tài sản khác thì phải trả bằng tài sản đó (hoặc cùng loại), hoặc có thể thay thế bằng một khoản tiền tương đương.

Nếu theo cách hiểu thứ hai thì quy định trên là hợp lý. Tuy nhiên, sự không rõ ràng của văn bản dẫn đến thực tiễn vẫn có tác giả hiểu theo cách thứ nhất.

Trong một nghiên cứu của mình tác giả Bùi Đức Giang (2013) có nêu: “Thực ra, giải pháp nhận tài sản khác từ người có nghĩa vụ trả nợ là không khả thi vì nhiều lý do.Thứ nhất, bên nhận thế chấp có thể nhận tài sản nào từ bên có nghĩa vụ trả nợ để thay thế cho giá trị của khoản nợ khi mà khái niệm tài sản khác có nội hàm quá rộng? Có thể các bên đã thỏa thuận về tài sản này trong hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ nhưng nếu vậy việc thế chấp quyền đòi nợ không còn ý nghĩa nữa bởi vì trong trường hợp này tại sao lại không thế chấp trực tiếp tài sản này mà phải thế chấp quyền đòi nợ? Hơn nữa, quyền đòi nợ về bản chất khi đến hạn sẽ trở thành một khoản tiền và giải pháp tốt nhất cho bên nhận thế chấp là được nhận chính khoản tiền đó thay vì phải nhận một tài sản sau đó phải đem bán mà trong thực tế việc định giá tài sản được dùng để thay thế giá trị quyền đòi nợ là một vấn đề nhạy cảm, trong nhiều trường hợp là yếu tố gây khó khăn cho việc xử lý tài sản bảo đảm” (Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 5/2013, tr.43-49).

Chúng tôi cho rằng, quan điểm trên của tác giả dường như chỉ đề cập đến quyền đòi nợ là một khoản tiền mà chưa dự liệu trường hợp đối tượng của quyền đòi nợ là một tài sản khác không phải là tiền. Ví dụ: A vay của B 5 chỉ vàng SJC, như vậy B có quyền đòi nợ đối với A. Tuy nhiên, quyền đòi nợ này là một vật (vàng) chứ không phải là một khoản tiền.

Như vậy, cần nhận thức đúng quy định tại Điều 66 Nghị định 163/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) đó là: Khi phải xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ thì bên thứ ba là người có nghĩa vụ trả nợ phải chuyển giao khoản tiền trả nợ cho bên nhận thế chấp, nếu khoản nợ là tiền; Chuyển giao tài sản khác (không phải là tiền) cho bên nhận thế chấp, nếu khoản nợ là một tài sản khác (lưu ý việc chuyển giao này phải là chuyển giao vật cùng loại) hoặc bên có nghĩa vụ trả nợ có thể thay thế nghĩa vụ chuyển giao bằng một khoản tiền tương ứng với giá trị của tài sản nợ.

Tình huống được đặt ra là pháp luật sẽ điều chỉnh như thế nào trong trường hợp thời điểm xử lý tài sản thế chấp và thời điểm thực hiện nghĩa vụ thanh toán quyền đòi nợ không trùng nhau.

Chẳng hạn, tháng 08/2011, Công ty TNHH A kí hợp đồng tín dụng số 09/HĐTD với Ngân hàng B cho khoản vay 1 tỷ đồng với thời hạn trả nợ là đến ngày 31/08/2012. Đồng thời, hai bên kí hợp đồng thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ bằng quyền đòi nợ của công ty A đối với công ty TNHH C, quyền đòi nợ có giá trị 1,5 tỷ đồng. Với giả thiết này có hai trường hợp xảy ra:

Thứ nhất, thời điểm xử lý tài sản thế chấp đến sau thời điểm thực hiện nghĩa vụ thanh toán quyền đòi nợ. Giả sử trường hợp này quyền đòi nợ có thời hạn thanh toán nợ là đến ngày 25/5/2012. Như vậy, có thể thấy thời điểm trả nợ của hợp đồng tín dụng số 09 là sau thời điểm quyền đòi nợ mà công ty A thế chấp với ngân hàng đến hạn thanh toán. Vậy trong trường hợp này, tài sản bảo đảm sẽ được xử lý như thế nào? Công ty A sẽ nhận thanh toán quyền đòi nợ đó hay ngân hàng sẽ là bên nhận thanh toán quyền đòi nợ đó.

Nếu như công ty A nhận thanh toán quyền đòi nợ thì quyền lợi của ngân hàng sẽ không thể đảm bảo, bởi lẽ tài sản thế chấp là quyền đòi nợ đã không còn vì nó đã được thanh toán cho chính bên thế chấp là công ty A. Ngược lại, tình huống này, ngân hàng cũng không thể nhận thanh toán quyền đòi nợ đó được.

Bởi lẽ, hợp đồng tín dụng số 09 giữa ngân hàng này với công ty chưa đến hạn. Chỉ khi nào đến hạn thanh toán mà công ty A không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng mới có thể xử lý tài sản thế chấp và lúc đó ngân hàng mới có thể nhận thanh toán quyền đòi nợ đã được thế chấp trên.

Thứ hai, nếu ở trường hợp ngược lại, thời điểm xử lý tài sản thế chấp đến trước thời điểm thanh toán quyền đòi nợ thì xử lý như thế nào? Trong ví dụ đã nêu trên giả sử hợp đồng tín dụng số 09 đến hạn vào ngày 31/03/2012 và Công ty A không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ hay không khi mà thời hạn thanh toán quyền đòi nợ chưa đến? Trong một khoảng thời gian dài chúng ta không tìm được câu trả lời cho hai tình huống trên, bởi lẽ không có quy phạm điều chỉnh.

Vấn đề đã rõ hơn khi liên Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014, hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm.

Theo đó, đối với hai trường hợp mà chúng ta đang phân tích, nếu quyền đòi nợ được thế chấp đến hạn trước thời điểm nghĩa vụ được bảo đảm đến hạn thì “bên có nghĩa vụ trả nợ có trách nhiệm chuyển khoản tiền trả nợ vào tài khoản do bên có nghĩa vụ trả nợ mở tại Ngân hàng theo chỉ định của bên nhận thế chấp.

Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu Ngân hàng phong tỏa tài khoản này và chỉ được quyền yêu cầu Ngân hàng giải tỏa để xử lý khi đến thời điểm xử lý tài sản thế chấp. Kể từ thời điểm nộp tiền vào tài khoản, bên có nghĩa vụ trả nợ không được quyền yêu cầu Ngân hàng giải tỏa và thực hiện giao dịch đối với số tiền này”.

Còn đối với trường hợp thời điểm xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ đến trước thời hạn thanh toán quyền đòi nợ thì “bên nhận thế chấp được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán khoản nợ đó cho mình tại thời điểm nghĩa vụ trả nợ đến hạn. Bên nhận thế chấp không được yêu cầu bên thế chấp thanh toán khi nghĩa vụ trả nợ chưa đến hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, Thông tư liên tịch hướng dẫn vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này, cụ thể:

Một là, Thông tư liên tịch quy định: “…bên có nghĩa vụ trả nợ có trách nhiệm chuyển khoản tiền trả nợ vào tài khoản do bên có nghĩa vụ trả nợ mở tại Ngân hàng…”.

Có thể thấy quy định trên chỉ dự liệu trường hợp đối tượng của quyền đòi nợ là một khoản tiền cụ thể mà chưa dự liệu trường hợp đối tượng quyền đòi nợ là một tài sản khác không phải là tiền. Bởi lẽ tài sản nợ có thể là một khoản tiền cụ thể và cũng có thể là một tài sản khác mà không phải là tiền, mặc dù trên thực tế khoản nợ của quyền đòi nợ đa số vẫn là những khoản tiền.

Như vậy, trong những trường hợp này, nếu đối tượng quyền đòi nợ là một khoản tiền thì bên có nghĩa vụ trả nợ có trách nhiệm chuyển khoản tiền đó vào tài khoản do bên có nghĩa vụ trả nợ mở tại Ngân hàng. Còn nếu đối tượng quyền đòi nợ là một tài sản khác (không phải tiền) thì lại không có căn cứ để xử lý tương tự. Do đó, cần bổ sung thêm quy định về xử lý quyền đòi nợ khi quyền đòi nợ này là một tài sản khác không phải là tiền.

Cụ thể, nếu đối tượng của quyền đòi nợ là các tài sản có thể gửi tại ngân hàng như vàng, bạc, kim khí, đá quý... thì áp dụng tương tự trường hợp trên. Nếu đối tượng của quyền đòi nợ là các tài sản lớn hơn (không thể gửi tại tài khoản phong tỏa của ngân hàng) như lúa, gạo, cà phê.... thì bên có nghĩa vụ trả nợ có nghĩa vụ chuyển các tài sản này vào nơi gửi giữ do bên nhận thế chấp chỉ định.

Bên nhận gửi giữ có trách nhiệm niêm phong, bảo quản các tài sản này cho đến khi nghĩa vụ được bảo đảm đến hạn và tài sản bảo đảm được xử lý.

Hai là, trong trường hợp thời điểm thực hiện nghĩa vụ thanh toán quyền đòi nợ xảy ra trước thời điểm xử lý tài sản thế chấp thì “bên có nghĩa vụ trả nợ có trách nhiệm chuyển khoản tiền trả nợ vào tài khoản do bên có nghĩa vụ trả nợ mở tại Ngân hàng theo chỉ định của bên nhận thế chấp” và ngân hàng sẽ phong tỏa tài khoản này theo yêu cầu của bên nhận thế chấp cho đến thời điểm xử lý tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, quy định này lại không nói rõ ai sẽ phải chịu các chi phí cho ngân hàng khi ngân hàng cung cấp các dịch vụ nêu trên.

Dựa vào câu chữ của quy định trên, chúng ta có thể suy luận bên nhận thế chấp sẽ là bên chịu khoản phí này, bởi lẽ họ là bên chỉ định ngân hàng cho bên có nghĩa vụ chuyển tiền vào và cũng là bên yêu cầu ngân hàng phong tỏa khoản tiền này.

Tuy nhiên, quy định trên cũng chưa thực sự rõ ràng bởi lẽ chúng ta cũng có thể giải thích rằng bên có nghĩa vụ thanh toán quyền đòi nợ là bên mở tài khoản này nên họ phải thanh toán khoản phí dịch vụ trên cho ngân hàng.

Chúng tôi cho rằng sẽ không hợp lý nếu bên có nghĩa vụ thanh toán quyền đòi nợ là bên phải chịu khoản phí dịch vụ này, bởi lẽ họ không phải là chủ thể tạo ra hoàn cảnh này mà nó xuất phát từ quan hệ thế chấp quyền đòi nợ giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp. Sẽ là hợp lý hơn nếu chủ thể phải chịu khoản phí dịch vụ này là bên thế chấp, bởi lẽ tại thời điểm này, tài sản thanh toán từ quyền đòi nợ này đang thuộc quyền sở hữu của họ.

Tuy nhiên, trong hợp đồng thế chấp các bên vẫn có thể thỏa thuận cụ thể về vấn đề này. Như vậy, cần bổ sung thêm quy định chủ thể phải chịu các khoản phí dịch vụ cho ngân hàng mà bên có nghĩa vụ trả nợ đã chuyển tài sản trả nợ vào là bên thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Nếu các bên không có thỏa thuận bên nhận thế chấp sẽ chịu khoản phí dịch vụ này thì bên thế chấp sẽ gánh chịu. Quy định tượng tự cũng sẽ được áp dụng trong trường hợp gửi giữ tài sản là đối tượng của quyền đòi nợ mà chúng tôi đã kiến nghị ở trên.