DATC tham gia tái cơ cấu hiệu quả các doanh nghiệp lớn
Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả mua bán nợ, xử lý tài sản tồn đọng, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, hiện nay Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) còn tích cực tham gia tái cơ cấu nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty lớn...
Thông qua tái cơ cấu phục hồi DN, từ năm 2007 đến nay, DATC đã tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu cho 83 DN (trong đó 36 DNNN thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện cổ phần hoá, 40 DNNN đã được cổ phần hoá nhưng tiếp tục hoạt động thua lỗ do gặp khó khăn về tài chính), giúp xử lý nợ tồn đọng trong nền kinh tế, phục hồi DN trở lại hoạt động bình thường.
Thông qua hoạt động của mình, DATC đã trực tiếp giúp trên 20 tổng công ty nhà nước thuộc các bộ, ngành, địa phương xử lý tồn tại để cổ phần hóa thành công theo lộ trình của Chính phủ, giúp Nhà nước thu hồi nợ đọng thuế và tăng thu cho ngân sách qua số thuế nộp mới hàng năm và nhất là tái tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội ở các địa bàn.
Tiếp nối quá trình tái cơ cấu, DATC cũng chú trọng hoạt động thoái vốn đã đầu tư vào DN, một nội dung để xác định hiệu quả tái cơ cấu.
Trong giai đoạn từ 2010 đến nay, DATC đã tập trung rà soát các khoản vốn góp thông qua hoạt động tái cơ cấu các DNNN, có kế hoạch và nhanh chóng thoái vốn tại các DN đã ổn định sản xuất kinh doanh theo quy định của Bộ Tài chính, nhằm quay vòng vốn để tiếp tục phục vụ hoạt động kinh doanh.
Phương thức thoái vốn của DATC đều thực hiện theo hình thức bán đấu giá công khai, minh bạch và nhằm mục tiêu bảo toàn vốn của DATC. Luỹ kế đến cuối năm 2016, Công ty đã thoái vốn tại 70 DN với doanh thu 520,4 tỷ đồng.
Song song với nhiệm vụ tái cơ cấu DN, DATC cũng đã tập trung rà soát các khoản vốn góp thông qua hoạt động tái cơ cấu DN 100% vốn nhà nước thực hiện sắp xếp chuyển đổi sở hữu và các DN khác có vốn góp của công ty.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, DATC đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao về xử lý nợ, tái cơ cấu Tổng công ty Tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Công ty Thực phẩm miền Bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Haprosimex…
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực để mang lại kết quả cao nhất trong việc tái cơ cấu DN, DATC cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, thị trường mua bán nợ ngày càng cạnh tranh gay gắt. Việc đàm phán mua nợ với các ngân hàng rất khó khăn, kéo dài.
Trước những khó khăn đó, lãnh đạo DATC đã yêu cầu toàn thể các cán bộ, nhân viên công ty tập trung, nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt kế hoạch 6 tháng cuối năm, thường là lúc các hoạt động thu hồi, xử lý nợ, thoái vốn sẽ vào mùa “cao điểm”.
Trong những tháng cuối năm, DATC xác định, tham gia tích cực hơn nữa vào tái cơ cấu DN, mà đặc biệt là các DN lớn quan trọng như PVN, TKV, EVN… Đồng thời, chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm khách hàng mới, khẳng định vai trò “anh cả” trên thị trường mua bán nợ.