Bảo đảm an ninh thông tin thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4

PV.

Ngày 4/4/, Hội thảo - Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật 2017 (Security World 2017) với chủ đề “Bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra tại Hà Nội.

Sự kiện do Cục An ninh mạng, Cục An toàn thông tin phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG Việt Nam) tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ Công an và sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ban Cơ yếu Chính phủ.

Trải qua 11 kỳ tổ chức liên tiếp tại Việt Nam từ năm 2007, Hội thảo – Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật đã trở thành diễn đàn quốc gia lớn và là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp tiên tiến về an ninh bảo mật.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được coi là xu thế phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học-công nghệ được dự báo sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực tại mọi quốc gia trên thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.

Cụ thể xu hướng này sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hoá các quy trình kinh doanh, tăng cường khả năng kết nối qua các thiết bị di động và tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn, đồng thời những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích và cơ hội to lớn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang đặt ra cho Việt Nam những hiểm họa khôn lường về an ninh mạng, an ninh thông tin, đặc biệt trong bối cảnh mà các cuộc tấn công mạng đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Theo thống kê từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), hơn 134.000 sự cố an ninh mạng đã xảy ra trong năm 2016 (bao gồm sự cố Phishing, Malware và Deface), tăng gấp bốn lần so với năm trước 2015.

VNCERT cũng đồng thời cảnh báo mức độ phát triển và lây lan nhanh chóng của mã độc mã hóa dữ liệu Ransomware trong năm qua. Cùng nhận định với VNCERT,  trong báo cáo tình hình an ninh mạng mới đây, tập đoàn công nghệ Bkav cũng ghi nhận rằng năm 2016 vừa qua là năm bùng nổ của ransomware khi mà trung bình 10 email nhận được thì 1,6 email có chứa ransomware. 

Cũng theo báo cáo này, người dùng Việt Nam đã chịu thiệt hại lên đến 10.400 tỷ đồng, tăng gần 9.000 tỷ đồng so với mức thiệt hại năm 2015. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong khi nguy cơ an ninh mạng ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi nhưng người dùng Việt vẫn chưa có ý thức và kiến thức đầy đủ để có thể tự bảo vệ mình.

Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Việt Khôi thì hiện kiến thức bảo mật của người dùng Việt vẫn như thuở sơ khai gần 20 năm trước khi mà Internet mới vào Việt Nam - một thực trạng hết sức đáng quan ngại trong vấn đề an ninh bảo mật hiện hành. Tất cả các giải pháp an ninh bảo mật tiên tiến sẽ chẳng phát huy được công dụng khi mà người dùng chưa biết cách tự bảo vệ mình.

Vì vậy,“để có thể bảo vệ chính mình trong kỷ nguyên số hóa với rất nhiều mối đe dọa tấn công, các doanh nghiệp và tổ chức cần nâng cao năng lực an toàn thông tin ở ba yếu tố cơ bản: con người, quy trình, và giải pháp công nghệ; Đào tạo con người, nâng cao kiến thức/nhận thức về an toàn thông tin; Xây dựng quy trình đảm bảo an toàn thông tin và xử lý khi có sự cố; Triển khai các giải pháp an toàn bảo mật một cách toàn diện”, Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc của Cisco Systems Việt Nam chia sẻ.

Nhận thức được tình hình này, Hội thảo – Triển lãm Quốc gia về An ninh bảo mật (Security World) 2017 đã tập trung bàn thảo về chủ đề: “Bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Hội thảo hướng đến mục tiêu giúp các doanh nghiệp, tổ chức nắm bắt và đánh giá được các hiểm họa an ninh mạng hiện nay, cũng như đề xuất các phương án giúp các tổ chức ứng phó kịp thời trước sự phát triển nhanh chóng của các nguy cơ bảo mật và đảm bảo tuân thủ các quy định an ninh bảo mật mới...