Bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng
Năm 2016 là năm quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn, bởi đây là năm khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2016 - 2020) với hàng loạt các cam kết hội nhập có hiệu lực.
Trong bối cảnh đó, vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và duy trì an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng ngày càng quan trọng.
Tạo tâm lý an tâm cho người gửi tiền
Trong năm 2015, NHNN đã xử lý ba ngân hàng yếu kém bằng cách mua lại với giá “0 đồng”. Có thể nói, hệ thống ngân hàng hiện nay đã lành mạnh hơn. Đó là thành quả nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) và các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam vẫn phải tiếp tục quá trình tái cơ cấu về hai mặt:
Thứ nhất, là phải “gọn” hơn nữa, vì số lượng NHTM hiện vẫn lớn so với tổng dân số hơn 90 triệu người, nhưng chỉ tiếp cận tới 20% đến 30% dân số và tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn.
Thứ hai, vấn đề làm trong sạch hệ thống ngân hàng cũng vô cùng cần thiết. Việc NHNN mua lại ba ngân hàng với giá “0 đồng” đã cho thấy những điểm yếu mà ngành ngân hàng cần phải cải cách, đặc biệt tại các NHTM lớn. Không những thế, hệ thống ngân hàng cũng cần phải áp dụng theo các thông lệ quốc tế như Basel 1, Basel 2 và trong tương lai là Basel 3.
Hiện nay, trên thế giới có hơn 100 quốc gia thành lập hệ thống BHTG. Những nước có hệ thống ngân hàng phát triển mạnh, như Hoa Kỳ, Nhật Bản…, BHTG được coi như công cụ đắc lực nhằm bảo đảm hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng và bảo vệ người gửi tiền.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, BHTG là công cụ bắt buộc nhằm tăng trách nhiệm và duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng (TCTD), cũng như bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính mỗi nước.
Một thí dụ điển hình có thể nhắc tới là Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) bảo hiểm cho tất cả người gửi tiền tại ngân hàng với hạn mức lên tới 250 nghìn USD, tạo tâm lý an tâm cho người gửi tiền.
Do đó, người gửi tiền không ngại đến gửi tiền tại các ngân hàng nhỏ, ngay cả khi ngân hàng đó mới được thành lập. Bên cạnh việc tạo ra sự an toàn cho người gửi tiền, FDIC còn đóng vai trò là cơ quan giám sát cùng với Ngân hàng dự trữ liên bang và các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác.
Mở rộng truyền thông chính sách BHTG tới người dân
Tại Việt Nam, chính sách BHTG được xem là chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. BHTG Việt Nam là tổ chức duy nhất thực hiện bảo hiểm cho các khoản tiền gửi của người dân, nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần duy trì sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Theo nhận xét của chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, BHTG Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Tuy nhiên, hạn mức bảo hiểm hiện nay vẫn còn thấp, cần điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình kinh tế - xã hội.
Ngoài chức năng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi các TCTD bị đổ vỡ, giám sát từ xa - kiểm tra tại chỗ, cơ quan này nên được nâng cao quyền hạn và tham gia sâu hơn vào quá trình giám sát các TCTD. Đặc biệt, cần có cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin một cách cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ giữa BHTG Việt Nam và NHNN.
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, khi BHTG Việt Nam được hoàn thiện các chức năng và phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của mình, sức mạnh, uy tín của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng sẽ được nâng lên, giúp các nhà đầu tư an tâm hơn khi đầu tư vào lĩnh vực tài chính.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ thêm những kinh nghiệm quốc tế mà BHTG Việt Nam có thể xem xét và áp dụng để người gửi tiền ngày càng được bảo vệ hiệu quả hơn.
Theo đó, BHTG Việt Nam có thể học tập từ FDIC Chương trình đồng tiền thông minh (money smart). Đây là chương trình phổ biến kiến thức tài chính cho người dân từ cơ bản, như: Cách sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, các chính sách tiền gửi, bảo mật tài khoản tới những cấp độ cao hơn, như: Quản lý đồng tiền. FDIC đưa chương trình này đến người dân thông qua các kênh, như: Trường học, địa phương, thông qua hệ thống các ngân hàng và phương tiện thông tin, truyền thông.
Do vậy, BHTG Việt Nam cũng có thể tham khảo và xây dựng chương trình phổ biến kiến thức tài chính cơ bản để truyền thông tới người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn hay vùng sâu, vùng xa - những nơi điều kiện tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ ngân hàng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, BHTG Việt Nam cần tích cực đổi mới hoạt động để ứng phó tốt với các diễn biến trong hoạt động ngân hàng. Điều này cũng thể hiện sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong khía cạnh bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng của BHTG Việt Nam.