Bảo đảm tính trung lập trong cạnh tranh
(Taichinh) - Để duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa khối doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, cần phải đảm bảo tính trung lập trong thực thi pháp luật cạnh tranh.
Đó là nội dung được các chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước thảo luận trong những phiên họp ngày thứ 2 (5/6) tại Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 5 do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và Ban Thư ký ASEAN tổ chức ngày 4-5/6 tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông John Davies, Trưởng Phòng Cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, doanh nghiệp (DN) Nhà nước hoặc một số DN tư nhân nhưng là những DN độc quyền ở một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế các nước thường có các tác động tiêu cực đến cạnh tranh và lợi ích của người tiêu dùng. Khi đó, để loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực về cạnh tranh, các cơ quan cạnh tranh phải xây dựng được những nguyên tắc và công cụ để xác lập phạm vi quản lý, xử lý những “méo mó” trong trung lập cạnh tranh.
Như vậy, trừ một số trường hợp miễn trừ (các DN cung cấp dịch vụ công), Luật Cạnh tranh phải được xác lập trên cơ sở áp dụng cho tất cả các DN Nhà nước và tư nhân, trung lập tuyệt đối với quyền sở hữu và quốc tịch.
Theo ông Toh Han Li, Tổng Giám đốc Ủy ban Cạnh tranh Singapore, Luật Cạnh tranh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập tính trung lập cạnh tranh. Tuy nhiên, chỉ một mình Luật này vẫn chưa thể đảm bảo tính trung lập trong cạnh tranh mà cả nền kinh tế, gồm các chính sách và quy định phải được xây dựng và thực thi theo hướng trung lập về cạnh tranh. Cần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa cơ quan cạnh tranh với các cơ quan quản lý ngành, cơ quan Chính phủ sao cho cơ quan cạnh tranh có thể tư vấn cho các cơ quan Nhà nước các vấn đề liên quan đến cạnh tranh hoặc các vấn đề tác động tiềm ẩn đến cạnh tranh.
Bên cạnh đó, do các quy định bảo hộ trong ASEAN đang dần được gỡ bỏ nên các DN, bất cứ thuộc hình thức sở hữu nào, cũng sẽ phải thích nghi với khuôn khổ cạnh tranh mới và vận hành theo pháp luật cạnh tranh. Khi đó, các DN Nhà nước cũng bình đẳng và tự do cạnh tranh trên mọi phương diện như những DN khác nếu như Chính phủ các nước có những biện pháp phù hợp để đảm bảo tính trung lập trong cạnh tranh.
Kinh nghiệm từ Singapore và Malaysia
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách nhằm hạn chế quy mô của DN độc quyền Nhà nước và xoá bỏ một số biện pháp hành chính liên quan đến việc dành ưu đãi cho khối DN Nhà nước. Minh chứng cho điều này chính là hàng loạt các chính sách kinh tế quan trọng như tiến hành cổ phần hoá DN Nhà nước từ những năm 1990; ban hành Luật Cạnh tranh năm 2004; Luật DN năm 2005 và chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới như FTA, ASEAN, WTO, TPP…
Tuy nhiên theo TS Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư LNT và Parners TPHCM), Việt Nam vẫn đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình tìm kiếm các giải pháp điều tiết các DN độc quyền Nhà nước để từ đó đảm bảo tính trung lập trong cạnh tranh. Vì vậy, việc học tập kinh nghiệm từ các nước trong khu vực sẽ có những tác động quan trọng đến quá trình hoàn thiện Luật Cạnh tranh của Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệp về đảm bảo tính trung lập trong cạnh tranh ở Singapore, ông Toh Han Li cho biết, cạnh tranh là nguyên tắc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Singapore. Để đảm bảo tính trung lập trong cạnh tranh, Chính phủ Singapore đã công khai, minh bạch với tất cả DN các chính sách, quy tắc dựa theo chính giá trị của các DN. Không có bất cứ ưu đãi cho DN địa phương hay DN có liên quan đến chính phủ.
Bên cạnh đó, Singapore đã từng bước cho phép cạnh tranh trong các ngành đặc thù như sản xuất điện, viễn thông, giao thông vận tải. Đối với các tập đoàn kinh tế của Nhà nước (GLC), Chính phủ chỉ cấp vốn ban đầu và không tái cấp vốn hay trợ cấp đặc biệt cho GLC. Như vậy quản lý kinh phí và huy động để phát triển là trách nhiệm của GLP trước Chính phủ.
Ở Malaysia, mặc dù không có quy định cụ thể nào liên quan đến vấn đề trung lập cạnh tranh với các DN Nhà nước nhưng các DN Nhà nước Malaysia phải tuân thủ theo nhiều quy định khác nhau, bao gồm những quy định do Chính phủ ban hành và những quy định do chính các DN đề ra dựa trên tiêu chí tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mối quan hệ giữa DN Nhà nước với Chính phủ cũng như trong chính các hoạt động kinh doanh của DN Nhà nước này.
Đặc biệt, Chính phủ Malaysia sẽ cân đối giữa việc tăng cường tính cạnh tranh và hiệu quả của thị trường với việc quản lý các yếu tố biến động của xã hội. Hầu hết các cơ chế điều tiết các DN Nhà nước đều đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả, tất cả đều là một phần của nguyên tắc trung lập cạnh tranh mà Malaysia đang thực hiện.