Bộ Tài chính:

Thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan trong các FTA đã ký

PV.

(Taichinh) - Ngày 3/6, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo chuyên đề Hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Nguyễn Bá Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì buổi Họp báo. Tới tham dự buổi Họp báo có các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phát biểu khai mạc buổi Họp báo, ông Nguyễn Bá Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết: Trong hầu hết các FTA mà Việt Nam đã ký kết thì mức độ tự do hóa trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ Hiệp định ASEAN (ATIGA) là Hiệp định nội khối với mức cam kết tự do hóa gần 100%. Mức độ tự do hóa cuối cùng trong các FTA khác dự kiến đạt khoảng 90% số dòng thuế với thuế suất cuối cùng về 0% vào các thời điểm khác nhau tùy từng FTA. FTA hoàn thành lộ trình sớm nhất là ATIGA (2018), tiếp đó là ACFTA (2020) và AKFTA (2021). Diện mặt hàng mà ta không cam kết xóa bỏ thuế trong hầu hết các Hiệp định FTA chiếm khoảng từ 5-7% số dòng thuế bao gồm: thuốc lá, rượu bia, xăng dầu, ô tô, một số linh kiện và phụ tùng ô tô, một số mặt hàng sắt thép, các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan (đường, trứng, lá thuốc lá) và các mặt hàng an ninh quốc phòng (vũ khí, thuốc nổ...).

Trong giai đoạn 2015-2018, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan trong các FTA đã ký; tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam giúp các doanh nghiệp nắm bắt để chủ động thích ứng, chủ động thay đổi, tận dụng được các cơ hội cũng như nâng cao sức cạnh tranh, khắc phục các thách thức do các FTA tạo ra. Buổi Họp báo lần này cũng không nằm ngoài mục tiêu tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp thông qua các cơ quan báo chí về 8 FTA mà Việt Nam đã ký kết và đang thực hiện, 2 FTA vừa ký kết và các FTA quan trọng đang đàm phán.

Đặc biệt là, Bộ Tài chính đã triển khai điều chỉnh một số chính sách thuế nội địa phù hợp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ví dụ như: Giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Bãi bỏ tỷ lệ khống chế chi cho quảng cáo, khuyến mại theo Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi một số điều của Luật về Thuế; Áp dụng các chính sách miễn thuế/ ưu đãi thuế đối với các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; Chính sách miễn/ưu đãi thuế đối với các loại máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định cho các doanh nghiệp gia công, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; Chính sách miễn thuế, ưu đãi thuế theo vùng miền, lĩnh vực đầu tư và các ưu đãi thuế khác.

Tại buổi Họp báo, ông Hà Duy Tùng, phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế nhấn mạnh: Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước giảm, từ đó giá cả hàng hóa cạnh tranh hơn, thúc đẩy sản xuất để xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ khác nhau, nâng cao năng lực cạnh tranh. Người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa nhập khẩu và nội địa với chất lượng tốt hơn và giá cả phải chăng.

Bên cạnh đó, cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế đối với Việt nam đó là thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuyển dịch luồng vốn đầu tư vào Việt Nam, trong đó nhiều doanh nghiệp được tiếp cận với các khoản vốn ưu đãi đầu tư.