Bảo hiểm liên quan đến COVID-19 vẫn "nóng"

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn

Một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất trên thị trường đang vấp phải làn sóng phản ứng tiêu cực về việc chi trả quyền lợi của các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến COVID mà họ đã triển khai.

Một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang vấp phải làn sóng phản ứng tiêu cực về việc chi trả quyền lợi của các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến COVID. Nguồn: Internet
Một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang vấp phải làn sóng phản ứng tiêu cực về việc chi trả quyền lợi của các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến COVID. Nguồn: Internet

Công ty dịch vụ tài chính JP Morgan nhận định, phát triển bảo hiểm COVID không phải là hướng đi sai, nhưng việc thiếu cẩn trọng trong quá trình xây dựng sản phẩm, bán hàng đã dẫn đến tình trạng sụp đổ của sản phẩm và công ty bảo hiểm trên toàn cầu.

Chi phí bồi thường tăng mạnh

JP Morgan dẫn chứng, ở châu Á, thị trường bảo hiểm Đài Loan (Trung Quốc) ước tính phải đối mặt với số tiền bồi thường lên tới 41 tỷ Đài tệ (khoảng 1,39 tỷ USD). Trong bối cảnh các trường hợp nhiễm COVID-19 tại đây vẫn đang gia tăng thì số tiền thực tế có thể gấp 2,5 lần con số ước tính này.

Tại thị trường Thái Lan, có ít nhất 4 công ty bảo hiểm đã phá sản sau khi chịu lỗ từ việc bán hợp đồng bảo hiểm COVID-19 giá rẻ và một công ty buộc phải tìm cách tăng vốn để hoạt động trở lại, làm dấy lên những quan ngại về hiệu ứng domino có thể đè nặng lên ngành bảo hiểm phi nhân thọ của nước này.

Thị trường Việt Nam không chịu nhiều tổn thất do COVID-19 ở các nhóm sản phẩm truyền thống. Về sản phẩm mới, số liệu bồi thường của riêng mảng bảo hiểm sức khỏe - con người có mở rộng cho rủi ro COVID hiện đang tiếp tục được thống kê và chưa có con số chính thức. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, có khoảng 2 trong 6 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất trên thị trường đang vấp phải làn sóng phản ứng tiêu cực về việc chi trả quyền lợi của các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến COVID mà họ đã triển khai.

Theo tìm hiểu của VnBusiness, mới đây, hàng trăm khách hàng của Bảo hiểm Bưu điện - PTI đã mua gói bảo hiểm COVID - Vững tâm an, với quyền lợi được trợ cấp nằm viện điều trị dịch bệnh tại cơ sở y tế khi người được bảo hiểm nhập viện sau 3 ngày kể từ ngày bắt đầu bảo hiểm, nhưng khi được chẩn đoán bị nhiễm COVID-19 và phải điều trị nội trú tại một số bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Phương Đông và đã gửi đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường, có trường hợp đến nay vẫn chưa được chi trả, có trường hợp bị từ chối bồi thường bảo hiểm.

Tương tự, một số khách hàng tham gia bảo hiểm của công ty bảo hiểm Bảo Việt cũng phản ánh bị từ chối bồi thường bảo hiểm COVID với cùng lý do trùng hợp là điều trị tại Bệnh viện đa khoa Phương Đông, bệnh viện không có chức năng điều trị COVID.

Theo Tổng cục Thống kê, thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy, sự xuất hiện của dịch COVID-19 khiến bảo hiểm chưa khi nào trở nên “hot” đến vậy, các sản phẩm bảo hiểm mang tên Corona được bán ngập tràn. Không chỉ có khối phi nhân thọ, mà cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng “nhập cuộc”, hàng loạt công ty bảo hiểm như Prudential, Manulife, Generali, AIA, Sunlife, BIDV Metlife, Cathay… tung ra các chương trình hỗ trợ đặc biệt liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Các công ty này cho biết, đã chi hàng chục tỷ đồng hỗ trợ cho các khách hàng và đại lý không may bị nhiễm COVID-19. Nhưng trên thực tế, không phải khách hàng nào cũng nhận được hỗ trợ.

Chi trả bồi thường tăng mạnh, doanh nghiệp giảm mục tiêu tăng trưởng

Hiện, chưa có số liệu của riêng mảng bảo hiểm sức khỏe - con người, nhưng theo số liệu công bố mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính tới cuối tháng 5/2022, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.715 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.564 tỷ đồng, tăng 13,1%. 

Mức tăng trưởng 13,1% của bảo hiểm phi nhân thọ trong 5 tháng đầu năm 2022 được đánh giá là rất tích cực nếu so với mức tăng trưởng gần 4% của cả năm 2021. Đà tăng trưởng này dự kiến sẽ duy trì trong năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, cùng với những thuận lợi về chính sách.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ đã có dấu hiệu giảm trong 2 năm gần đây (đạt dưới 20%, so với mức tăng 30% của những năm trước), số lượng hợp đồng và phí bảo hiểm khai thác mới 5 tháng năm 2022 ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021 (-19,9% và -4,8%).

Kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến tăng trưởng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2022 chỉ từ 10-14%, thấp hơn khá nhiều nếu so với mức tăng trưởng thực tế 24,98% trong năm 2021.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tỏ ra khá thận trọng với các kế hoạch lợi nhuận âm hoặc dương nhưng với mức thấp hơn tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Nguyên nhân đến từ xu hướng giảm đà tăng trưởng của nhóm bảo hiểm nhân thọ đã rõ nét từ 2 năm trở lại đây; các khoản chi phí như tỷ lệ bồi thường, chi trả, đặc biệt là chi trả bảo hiểm Covid tăng mạnh trong khi cơ hội đầu tư ảm đạm. 

Dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, những khó khăn trên chỉ là ngắn hạn, tiềm năng thị trường trong dài hạn vẫn còn rất lớn nhờ khung pháp lý tiếp tục được nới rộng như quy đinh gành bảo hiểm không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều này sẽ mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các công ty bảo hiểm, qua đó thúc đẩy quá trình thoái vốn nhà nước trong ngành. 

Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV ngày 16/6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, với điều khoản chuyển tiếp cũng được kỳ vọng mang đến làn gió mới cho thị trường bảo hiểm, có tác động tích cực đến sự phát triển lâu dài của thị trường bảo hiểm.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chuẩn bị sẵn sàng thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2022 với những mục tiêu tích cực, tăng cường hợp tác, ứng dụng các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động nhằm mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội.