Bảo hiểm nông nghiệp: Chủ trương đúng, hiệu quả cao

PV.

(Tài chính) Thực tiễn triển khai hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp là hết sức đúng đắn. Chính sách này đã góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo động lực phát triển cho kinh tế địa phương.

Đến nay việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố. Nguồn: internet
Đến nay việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố. Nguồn: internet

Nhìn lại kết quả thí điểm bảo hiểm nông nghiệp

Theo báo cáo của các địa phương và các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm, đến nay việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn triển khai thí điểm với kết quả cụ thể như sau:

Về số lượng hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm: Trong 3 năm triển khai có 304.017 hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có 233.361 hộ nghèo (chiếm 76,8% tổng số hộ tham gia bảo hiểm), 45.944 hộ cận nghèo (chiếm 15,1%), 24.711 hộ thường (chiếm 8,1%), 1 tổ chức sản xuất nông nghiệp. Trong số các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Nghệ An là tỉnh có số lượng hộ tham gia bảo hiểm nhiều nhất 152.958 hộ (chiếm 50,3% tổng số lượng hộ tham gia bảo hiểm của chương trình thí điểm); tiếp đó là Thái Bình 61.940 hộ (chiếm 20,4% tổng số lượng hộ); Nam Định 27.170 (chiếm 8,9% tổng số lượng hộ).

Về tổng giá trị được bảo hiểm: Tổng giá trị được bảo hiểm của cả chương trình thí điểm là 7.747,9 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm vật nuôi là 2.713,2 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm thủy sản là 2.883,7 tỷ đồng.

Về doanh thu phí bảo hiểm: Tổng doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp sau 3 năm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là 394.000 triệu đồng, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm thủy sản là 218.175 triệu đồng (chiếm 55,4% tổng doanh thu); doanh thu phí bảo hiểm cây lúa là 91.919 triệu đồng (chiếm 23,3% tổng doanh thu); doanh thu phí bảo hiểm vật nuôi là 83.906 triệu đồng (chiếm 21,3% tổng doanh thu). Đáng chú ý, trong số các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Sóc Trăng là tỉnh có doanh thu phí bảo hiểm cao nhất 85,3 tỷ đồng (chiếm 21,6% tổng doanh thu phí bảo hiểm của cả chương trình thí điểm), tiếp đó là Nghệ An 78,4 tỷ đồng (chiếm 19,9%), Bạc Liêu 56,8 tỷ đồng (chiếm 14,4%)...

Về bồi thường bảo hiểm: Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm đến thời điểm 20/6/2014 là 701,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là 178,1%. Trong đó, chủ yếu bồi thường bảo hiểm thủy sản với tổng số tiền đã bồi thường bảo hiểm là 669,5 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường là 306%); tiếp đó là bồi thường bảo hiểm cây lúa với tổng số tiền thực bồi thường là 19 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 20,6%); bồi thường bảo hiểm vật nuôi là 13,3 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường là 15,9%). Trong số các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, thì Sóc Trăng là tỉnh có số tiền thực bồi thường bảo hiểm cao nhất 250,1 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 293,4%); tiếp đó là tỉnh Bạc Liêu với số tiền bồi thường 188,9 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 332,6%); Cà Mau 100,8 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 331%); Bến Tre 82,1 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 231,3%); chủ yếu là rủi ro về bảo hiểm tôm, cá.

Những việc cần làm ngay

Việc triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg đã được triển khai một cách đồng bộ với sự phối hợp thống nhất giữa Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và sự tham gia tuyên truyền tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ấn tượng, cũng phải khẳng định rằng, việc triển khai thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định. Theo Bộ Tài chính, bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm mới, rất phức tạp, lần đầu làm thí điểm, chưa có nhiều kinh nghiệm; địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp rất rộng, trải dài trên 20 tỉnh, thành phố; thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều, đa dạng, mỗi địa phương mỗi khác. Do vậy, cơ chế, chính sách mặc dù đã được Bộ Tài chính và các Bộ, ngành thường xuyên rà soát, đánh giá và sửa đổi bổ sung kịp thời để đáp ứng được thực tế, song không phải là đã phù hợp được hết nhu cầu, đặc trưng riêng của từng địa phương.

Bên cạnh đó, phạm vi đối tượng, địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp rất rộng, cùng với tính chất sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún của nước ta, lại bị thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều trong khi đó cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin của địa phương và của các DN bảo hiểm còn hạn chế; lực lượng cán bộ mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai nghiệp vụ bảo hiểm mới, vì vậy các DN bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ cũng như kiểm tra, giám sát rủi ro. Đó là chưa kể rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong bảo hiểm nông nghiệp diễn ra bất thường, một số nơi xảy ra tổn thất lớn, trên diện rộng (ví dụ dịch bệnh đối với thủy sản trong cuối tháng 12 năm 2012) do đó phạm vi, mức độ thiệt hại về mặt tài chính khá lớn, vượt quá năng lực tài chính của DN bảo hiểm. Các DN bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong công tác tái tục các hợp đồng tái bảo hiểm...

Trong thời gian tới, để chương trình bảo hiểm nông nghiệp tiếp tục đạt kết quả tốt, Bộ Tài chính đã kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương và địa phương tập trung một số công tác trọng tâm sau:

Đối với Ban chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp địa phương: Cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp với các DN bảo hiểm. Theo đó, rà soát, giải quyết dứt điểm các yêu cầu bồi thường đã phát sinh theo hợp đồng bảo hiểm, quy định tại quy tắc, điều khoản bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo chặt chẽ, đúng chế độ quy định; không để xảy ra những vụ việc làm phức tạp hóa vấn đề liên quan đến chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Theo dõi việc thực hiện các hợp đồng bảo hiểm đã ký kết trước ngày 31/12/2013 và còn hiệu lực; phối hợp với DN bảo hiểm giải quyết bồi thường bảo hiểm trong trường hợp phát sinh tổn thất. Đối với các địa phương chưa hoàn tất thủ tục quyết toán kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo địa phương: Đề nghị các địa phương tự chịu trách nhiệm và khẩn trương hoàn tất việc thực hiện quyết toán theo chế độ quy định.

Đối với các DN bảo hiểm: Các DN bảo hiểm được lựa chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp như Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm các yêu cầu bồi thường bảo hiểm đã phát sinh theo hợp đồng bảo hiểm, quy định tại quy tắc, điều khoản bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo chặt chẽ, đúng chế độ quy định. Bên cạnh đó, theo dõi, giám sát việc thực hiện các hợp đồng bảo hiểm đã ký kết trước ngày 31/12/2013 và còn hiệu lực; phối hợp với Ban chỉ đạo địa phương giải quyết bồi thường bảo hiểm trong trường hợp phát sinh tổn thất. Đối với Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, cần phối hợp với DN bảo hiểm tích cực thu hồi công nợ bồi thường tái bảo hiểm.

Về công tác quyết toán, kiểm toán: Bộ Tài chính chỉ đạo đơn vị thuộc Bộ tổng hợp quyết toán kinh phí triển khai bảo hiểm nông nghiệp của địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết toán kinh phí triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Bên cạnh đó, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam quyết toán, kiểm toán riêng chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thí điểm bảo hiểm nông nghiệp để Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.