Bảo hiểm thất nghiệp mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Thanh Trúc

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, người lao động đã nhận thức sâu sắc hơn về vai trò và tính cấp thiết của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Điều này càng có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực khi triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP về triển khai hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19

Không ai bị bỏ lại phía sau

Thất nghiệp, thiếu việc làm trong đại dịch đã dẫn đời sống của người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn bởi không có thu nhập hoặc thu nhập bị giảm sút. Điều này đòi hỏi phải thực hiện và mở rộng hơn các gói an sinh xã hội (ASXH) nhằm đảm bảo đời sống cho NLĐ cũng như người sử dụng lao động (SDLĐ) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN. Bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện với các chế độ: hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ khi bị mất việc làm và tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho NLĐ.

Đại dịch COVID-19 đa đẩy rất nhiều NLĐ bị mất việc làm, không có việc làm nhưng lại không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Để hỗ trợ cho người lao động trong những trường hợp này, ngày 1/10/2021 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 28/2021/QĐ-TTg  quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN.

Như vậy, đối với những người lao động tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 sẽ được nhận hỗ trợ từ kết dư Quỹ BHTN. Mức trợ cấp được xác định tùy theo thời gian đóng BHTN. Bên cạnh đó, Quyết định cũng quy định việc giảm mức đóng BHTN cho người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Cụ thể, giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng. Thời gian thực hiện giảm: 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, về thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến cuối năm 2021, ngành BHXH đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị SDLĐ, tương ứng 9,68 triệu NLĐ, với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng. Cơ quan BHXH các cấp đã rà soát và gửi danh sách NLĐ thuộc đối tượng hỗ trợ đến 375.861 đơn vị SDLĐ, tương ứng với 11.868.907 NLĐ thuộc diện được hỗ trợ.

Trong đó, có 343.157 đơn vị đã gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ cho 11.366.801 NLĐ đang tham gia BHTN. Số NLĐ đã dừng tham gia BHTN đề nghị hỗ trợ là 1.289.332 người. Có 28.038 NLĐ đang tham gia BHTN nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Cùng với đó, BHXH các cấp cũng giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.201.710 NLĐ; trongh đó, có 11.338.951 NLĐ đang tham gia BHTN và 862.759 NLĐ đã dừng tham gia, với số tiền hỗ trợ trên 28.966 tỷ đồng và đa số chi trả qua tài khoản cá nhân.

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ từ Quỹ BHTN đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, góp phần hỗ trợ NLĐ đang tham gia BHTN khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách trên, toàn ngành BHXH đã tiếp cận và triển khai kịp thời với phương châm làm sao hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất và không bỏ sót bất kỳ một NLĐ được hưởng chính sách này.

Toàn ngành BHXH không quản ngày đêm, kể cả ngày nghỉ, khẩn trương rà soát, cập nhật, đối chiếu dữ liệu, lập danh sách NLĐ, DN đủ điều kiện hưởng hỗ trợ nhằm giúp DN và NLĐ sớm được thụ hưởng chính sách trên. Đồng thời, tập trung giải quyết hồ sơ trực tuyến và qua điện thoại, hướng dẫn, giải đáp mọi thắc mắc cho NLĐ và DN chu đáo, kịp thời, hiệu quả.

Với sự quyết tâm và thực hiện mục tiêu hỗ trợ DN và NLĐ kịp thời, ngành BHXH đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa nhân văn của chính sách đến NLĐ và người sử dụng lao động. Trong lúc NLĐ bị mất việc làm, giảm thu nhập do đại dịch thì gói hỗ trợ trên như chiếc “phao cứu sinh” kịp thời và đúng lúc, giúp NLĐ và DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Ngoài ra, từ chính sách ý nghĩa, nhân văn này, góp phần giữ chân lao động, tránh đứt gãy thị trường lao động và đảm bảo nguồn lực sản xuất cho các DN. Với công tác hỗ trợ nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn của ngành BHXH, đã nhận được sự đồng thuận cao từ các DN và NLĐ.

Không dừng lại ở đó, đứng trước tình hình dịch bệnh COVID-19, diễn biến phức tạp, BHXH còn tăng cường khuyến khích NLĐ nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. NLĐ có thể nộp hồ sơ theo các hình thức trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN hay ứng dụng BHXH số (VssID); thông qua dịch vụ bưu chính; nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH các cấp.