Bảo hiểm thủy sản: Ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển
(Tài chính) Bộ Tài chính vừa phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị tập huấn chính sách bảo hiểm thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Hội nghị tập huấn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục thủy sản; lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định,…
Bồi thường tai nạn thuyền viên gấp hơn 230 lần phí đóng
Xác định bảo hiểm thủy sản là chính sách trọng tâm của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho ngư dân yên tâm bám biển, phát triển hoạt động khai thác hải sản xa bờ, trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá, làm việc thực tế, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 115/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm và Thông tư 116/2014/TT-BTC hướng dẫn một số vấn đề tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thực hiện bảo hiểm.
Theo đó, chính sách bảo hiểm khai thác thủy sản được thực hiện theo nguyên tắc bảo hiểm mọi rủi ro, với mức trách nhiệm bảo hiểm (bồi thường) cho các tổn thất về con người và tài sản phát sinh trong quá trình khai thác thủy sản cao hơn nhiều so với các quy định liên quan trước đó, và chỉ loại trừ bảo hiểm trong trường hợp như: vi phạm lệnh cấm hay phong tỏa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoạt động đánh bắt hải sản trái phép….
Đặc biệt, phí bảo hiểm được xây dựng theo hướng tạo điều kiện cho chủ tàu, ngư dân. Tỷ lệ phí bảo hiểm thân tàu sẽ được áp dụng cụ thể cho từng nhóm tàu có công suất từ 90CV trở lên và kết cấu vật liệu của vỏ tàu như vỏ thép; vỏ gỗ và vật liệu khác. Tỷ lệ phí bảo hiểm ngư lưới cụ; tỷ lệ phí bảo hiểm rủi ro đặc biệt cũng được quy định cụ thể.
Việc tham gia bảo hiểm thuyền viên được thực hiện trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ tàu và ngư dân. Hợp đồng bảo hiểm tai nạn thuyền viên thực hiện theo số lượng thuyền viên chủ tàu khai báo có xác nhận của UBND cấp xã không cần liệt kê cụ thể từng thuyền viên.
Đại diện bảo hiểm Bảo Việt cho biết thêm, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, DNBH sẽ bồi thường cho thuyền viên bị tai nạn có tên trong danh sách thuyền viên do Biên phòng xác nhận (khi tàu xuất-nhập bến) hoặc do UBND cấp xã xác nhận (khi tai nạn xảy ra trong lúc tàu ở trong bến) theo bảng chi trả bồi thường do Bộ Tài chính quy định.
Cụ thể, trong bảo hiểm tai nạn thuyền viên mức trách nhiệm bảo hiểm lên đến 70 triệu đồng/ 1 người/ 1 vụ tai nạn, trong khi mức phí đóng là 300.000 đồng/ người/ năm, gấp hơn 230 lần mức phí bảo hiểm, thể hiện trách nhiệm cao của ngành bảo hiểm đối với đời sống, sản xuất của ngư dân.
Tại hội nghị các đại biểu đã cùng thảo luận về nguyên tắc thực hiện bảo hiểm; hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục chi trả phí bảo hiểm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí; thời gian, thủ tục bồi thường...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh, việc triển khai Nghị định số 67 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho người dân ra khơi bám biển khai thác thủy hải sản, phát triển ngành nghề này, đồng thời khẳng định sự hiển diện chủ quyền của Việt Nam trên biển đảo. Do vậy, các cơ quan liên quan bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và DNBH phải có sự phối hợp chặt chẽ để đưa chính sách này vào cuộc sống.
Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo DNBH phối hợp chặt chẽ với địa phương và các cơ quan hữu quan để thực hiện trên từng địa phương được chọn triển khai bảo hiểm khai thác hải sản; tổ chức hội nghị tập huấn quy tắc, điều khoản, biểu phí cho 28 tỉnh triển khai bảo hiểm khai thác hải sản; bố trí ngân sách thực hiện theo quy định…
Thực hiện theo nguyên tắc đồng bảo hiểm
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng nhấn mạnh, qua đăng ký của các DNBH đồng thời trên cơ sở xem xét tiêu chí điều kiện, Bộ Tài chính đã lựa chọn 4 DNBH lớn là Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO và PVI triển khai bảo hiểm theo hình thức đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo việc thực hiện được thống nhất.
"Đây là 4 DNBH đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn như: năng lực tài chính tốt, chi nhánh ở địa phương lớn..., 4 DNBH này cũng đã từng triển khai hoạt động bảo hiểm liên quan đến tàu thuyền, bảo hiểm thuyền viên trong những năm trước đây", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, đằng sau 4 DNBH này còn có rất nhiều DNBH khác cùng chia sẻ rủi ro thông qua hình thức nhận tái bảo hiểm. Như vậy cả hệ thống các DNBH của Việt Nam đều tham gia vào hoạt động này để đảm bảo triển khai có hiệu quả nhất.
Tại hội nghị các DNBH cũng khẳng định luôn sẵn sàng đồng hành cùng các chủ tàu và ngư dân. Đại diện Tập đoàn Bảo Việt cho biết, Bảo Việt sẽ đồng hành cùng các chủ tàu và ngư dân trong việc giảm thiểu các rủi ro về tài chính và con người liên quan đến hoạt động đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ. Việc phối hợp triển khai bảo hiểm khai thác thủy sản của Bảo Việt, một mặt thể hiện vai trò của DNBH hàng đầu đối với chủ trương phát triển thủy sản, nhưng mặt khác cũng thể hiện trách nhiệm của Bảo Việt trong công tác an sinh xã hội đối với bà con nơi biển đảo.