Bảo hiểm xã hội Hà Nội: Quyết liệt xử lý nợ đọng
Mặc dù, tỷ lệ nợ Bảo hiểm xã hội trên địa bàn Hà Nội vẫn xếp ở mức cao (2.963 tỷ đồng), nhưng so với cùng kỳ năm 2016, tỷ lệ này trong năm 2017 đã giảm 25,2%, tương đương 719 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2017, trên địa bàn Hà Nội có 73.754 đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong đó, có 6.102.954 người tham gia BHYT, đạt gần 84% dân số; 1.454.137 người tham gia cả BHXH, BHYT. Cũng trong năm 2017, BHXH Hà Nội đã khai thác thêm 9.644 doanh nghiệp với hơn 29.000 lao động tham gia BHXH, BHYT, tăng 6.987 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2016.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, việc BHXH Hà Nội đạt được những kết quả nêu trên là một thành quả đáng khích lệ. Ông Vũ Đức Thuật - Phó giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã có nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã tổ chức 275 cuộc tuyên truyền, tư vấn, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại 30 quận, huyện, thị xã.
Tại UBND các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo các phòng, ban trên địa bàn tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH đôn đốc thu hồi nợ BHXH tại các doanh nghiệp; Ban hành các quyết định thanh tra, kiểm tra tại 561 đơn vị với số tiền nợ 139,1 tỷ đồng, thu hồi được 58,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, BHXH Thành phố cũng tăng cường công tác truyền thông để người dân và đơn vị doanh nghiệp nắm được nghĩa vụ, quyền lợi của mình khi tham gia BHXH, BHYT; Công khai danh sách các doanh nghiệp nợ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đồng thời, gửi văn bản đôn đốc thu nợ đến hơn 184.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH và cử cán bộ trực tiếp thu tại 5.400 đơn vị, doanh nghiệp, nên đã thu hồi được 1.400 tỷ đồng. Thực hiện thanh tra chuyên ngành tại 182 đơn vị có số tiền nợ BHXH, BHYT là 182,1 tỷ đồng, thu hồi được 47,3 tỷ đồng và thực hiện kiểm tra tại 812 đơn vị có số tiền nợ 331,2 tỷ đồng, thu hồi được 111,9 tỷ đồng…
“Hiện BHXH Hà Nội đang tích cực, chủ động thu thập hồ sơ, chứng cứ vi phạm, gian lận (theo Điều 214, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015) đối với những đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT để năm 2018 khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, sẽ chuyển hồ sơ để cơ quan Công an thực hiện các thủ tục khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật”- ông Thuật nhấn mạnh.
Với hàng loạt những giải pháp mạnh, số tiền nợ BHXH trên địa bàn TP. Hà Nội có chiều hướng giảm mạnh. Tuy nhiên, con số 2.960 tỷ đồng mà BHXH Hà Nội còn nợ đọng là rất cao so với cả nước.
Do vậy, trong thời gian tới, đại diện BHXH Hà Nội cho biết, cơ quan này sẽ tăng cường đối thoại với các đơn vị nợ; Xử lý vi phạm đối với các đơn vị sau thanh tra, kiểm tra không khắc phục nợ, vi phạm Luật Lao động, Luật BHXH; Tiếp tục phối hợp trao đổi thông tin để có được kết quả cao hơn và đem lại sự hài lòng cho đối tượng thụ hưởng trên địa bàn Thủ đô.
BHXH Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có 55% trở lên số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, 45% trở lên lực lượng lao động tham gia BHTN, trên 90,1% dân số tham gia BHYT, 70% trở lên doanh nghiệp tham gia BHXH, 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, tỉ lệ nợ đọng BHXH giảm xuống dưới 4% số phải thu.