Quản lý nợ thuế năm 2018: Phấn đấu không vượt quá 5% tổng thu ngân sách

PV.

Ngành Thuế phấn đấu tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018.

Kết quả thu nợ cả năm của Cục Thuế TP. Hà Nội đạt 12.784 tỷ đồng, bằng 100,6% chỉ tiêu thu nợ.
Kết quả thu nợ cả năm của Cục Thuế TP. Hà Nội đạt 12.784 tỷ đồng, bằng 100,6% chỉ tiêu thu nợ.
Năm 2017, công tác quản lý nợ thuế vẫn là thách thức của ngành Thuế do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, trong năm 2017, Tổng cục Thuế đã tăng cường quản lý thu hồi nợ thuế, đảm bảo thu hồi kịp thời số nợ thuế vào NSNN.

Theo ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, các biện pháp quản lý nợ thuế đã được ngành Thuế triển khai thực hiện từ đầu năm, điển hình là việc tiếp tục giao nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế, chịu trách nhiệm thu hồi nợ đọng từng tháng tới từng lãnh đạo Cục Thuế, trưởng phòng, chi cục trưởng, đội trưởng, từng cán bộ.

Tập trung đẩy mạnh việc phối hợp giữa bộ phận quản lý nợ với các bộ phận thực hiện các chức năng khác như kê khai, thanh tra, kiểm tra thuế; Phối hợp với người nộp thuế, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, cơ quan kế hoạch đầu tư... thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN. 

Ngành Thuế phấn đấu tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách năm 2018.

Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật...
Nhờ những nỗ lực đó, năm 2017, thu nợ có thể nói là “điểm sáng” trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước của toàn ngành Thuế.
Cụ thể, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2017, toàn ngành Thuế đã đôn đốc thu nợ đọng được 39.871 tỷ đồng. Số thu này đạt tỷ lệ 81,7% số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016 chuyển sang năm 2017. Trong đó, thu bằng biện pháp đôn đốc nợ là hơn 27,4 tỷ đồng và bằng biện pháp cưỡng chế nợ là hơn 12,3 tỷ đồng.

Tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 30/11/2017 là 74.912 tỷ đồng. Nếu so với 31/12/2016 thì số nợ này đã tăng 689 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng nợ này, tiền nợ thuế có khả năng thu là hơn 28 nghìn tỷ đồng (giảm 2.768 tỷ đồng so với 31/12/2016); Tiền phạt hành chính về thuế và tiền chậm nộp là hơn 17,2 tỷ đồng; Tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) là hơn 29,5 nghìn tỷ đồng.

Đóng góp vào điểm sáng trong công tác quản lý thuế phải kể đến nỗ lực của các cơ quan thuế địa phương. Cụ thể, năm 2017, Cục Thuế TP. Hà Nội được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác thu hồi nợ đọng thuế với kết quả thu nợ cả năm đạt 12.784 tỷ đồng, bằng 100,6% chỉ tiêu thu nợ, tăng 0,9% so với 2016. Trong khi đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2017, tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn Thành phố là 238.888 tỉ đồng, đạt 100% dự toán. Đặc biệt, trong tháng cuối cùng của năm 2017, Cục Thuế đã tăng cường đôn đốc thu nợ thuế đạt khoảng 2.500 tỉ đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, ngành Thuế phấn đấu tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách năm 2018.

Để đạt được mục tiêu này, cơ quan Thuế sẽ tiếp tục thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, để tiếp tục giảm số nợ thuế trong năm 2018, Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu 63 cục thuế phải khẩn trương tổ chức rà soát số nợ thuế đến ngày 31/12/2017, giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2018 cho cơ quan thuế cấp dưới thực hiện.