Bảo hiểm Xã hội Việt Nam “cán đích sớm” về số người tham gia bảo hiểm
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, 10 tháng đầu năm 2017, tổng số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 79.946.442 người, đạt 100,8% kế hoạch năm 2017.
Nhiều địa phương có tỷ lệ bao phủ BHXH cao
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Nhờ đó, đến hết ngày 31/10/2017, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 79.946.442 người, đạt 100,8% kế hoạch năm 2017, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Đóng góp chung vào kết quả này không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH. Tính đến tháng 10/2017, nhiều địa phương trên cả nước đã “cán đích sớm” về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH như: Bắc Ninh (100,6%), Ninh Bình (104,1%), Phú Thọ (100,5%), Thái Bình (100,1%), Vĩnh Phúc (100%)... Một số địa phương khác có số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao như: Điện Biên (99,8%), Thái Nguyên (99,2%), Bắc Kạn (99,7%), Lào Cai (99,6%), Cao Bằng (98,5%)...
Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 10/2017, toàn ngành BHXH đã giải quyết cho 111.731 người hưởng BHXH hàng tháng; 603.076 lượt người hưởng trợ cấp BHXH 1 lần; giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, phục hồi sức khỏe cho 7.358.462 lượt người; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 138,9 triệu lượt người, với tổng số chi cả 3 loại hình (BHXH, BHYT, BHTN) là 217.783 tỷ đồng.
Đánh giá việc thực hiện chính sách BHYT trong thời gian qua, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, chính sách BHYT được coi là “bùa hộ mệnh” cho những người không may bị ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Tính đến hết tháng 10/2017 có 41.321 người được Quỹ BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; 27 người được Quỹ BHYT chi trả từ 1 tỷ đồng đến 4,5 tỷ đồng.
Để tiếp tục phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, thời gian tới ngành BHXH cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cơ quan BHXH các cấp phối hợp cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường hơn nữa việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020. Đồng thời, BHXH các địa phương cần chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với HĐND các cấp, đưa chỉ số phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của địa phương.
Thứ hai, BHXH các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư; tiếp tục phát huy vai trò, uy tín, kinh nghiệm của Hội Nông dân các cấp cũng như vai trò của các đại lý thu BHXH trong công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với từng gia đình hội viên, đoàn viên các cơ quan đoàn thể.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, các cộng tác viên, cán bộ chủ chốt tại cơ sở của các đoàn thể, các đại lý thu BHXH tại các địa phương, đơn vị.
Thứ tư, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH, BHYT, nhất là ban hành những quy định để đảm bảo việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền lợi mà người tham gia BHXH, BHYT được thụ hưởng. Kịp thời xem xét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT để củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách BHXH, BHYT- hai chính sách trụ cột trong hệ thộng an sinh xã hội của đất nước.