Đảm bảo quyền lợi hưởng lương hưu tối ưu cho người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội
Chế độ hưu trí là cốt lõi của chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động. Lương hưu có ý nghĩa quan trọng, giúp người lao động đảm bảo cuộc sống khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản. Bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.
Nhiều lợi ích cho người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và sẽ bước vào quá trình già hóa dân số vào năm 2036. Việt Nam chỉ còn hơn 14 năm nữa, để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già.
Dự tính vào năm 2050, dân số già tại Việt Nam sẽ có 29,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên, hoặc 22,7 triệu người từ 65 tuổi trở lên. Lương hưu hàng tháng là nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống khi về già của người lao động - độ tuổi dễ bị tổn thương nhất: hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động.
Tuy nhiên, đến nay, tại Việt Nam mới có khoảng 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng.
Nguồn thu nhập chính của người cao tuổi ở Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) chủ yếu đến từ hỗ trợ của con cái, chiếm khoảng 38%, các nguồn thu nhập mà người cao tuổi có được từ lương hưu chỉ khoảng 15% và từ nguồn trợ cấp xã hội khoảng 10% (Tổng cục Thống kê và Quỹ Phát triển dân số của Liên Hợp quốc, tháng 4/2022).
Hiện nay, cơ quan BHXH đã tổ chức chi trả cho gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với số tiền hưởng gần 14.475 tỷ đồng/tháng. Mức hưởng lương hưu trung bình khoảng 5,4 triệu đồng/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng).
Điều này cho thấy, lương hưu là mức thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống cho người hưởng. Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống (Lý Hoàng Minh, 2022).
Để đảm bảo cuộc sống cho những người hưởng lương hưu, từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh 22 lần lương hưu và trong 2 năm qua dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 01/01/2022.
Đối với người nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995 nếu sau khi được điều chỉnh tăng theo mức chung 7,4% nhưng mức lương hưu thuộc các trường hợp thấp thì lại tiếp tục được điều chỉnh (tăng thêm 200 nghìn đồng với những người có mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng; tăng lên 2,5 triệu đồng với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng). Việc điều chỉnh này cho thấy, Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cũng được hoàn thiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia nói chung và người nghỉ hưu nói riêng.
Theo quy định hiện hành, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia BHXH ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Trước thực trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian đóng BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản, nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện…
Bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động tham gia BHXH khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình).
Trên thực tế, cơ quan BHXH đãchi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho những người hưởng lương hưu bị mắc bệnh hiểm nghèo, nan y - bởi lứa tuổi này thường dễ gặp các vấn đề bất trắc về sức khỏe. Không những thế trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng lương hưu không may qua đời thì thân nhân của họ còn được hưởng chế độ tử tuất với nhiều quyền lợi.
Không được hưởng lương hưu khi rút bảo hiểm xã hội một lần
Ngoài các khoản tiết kiệm, tích lũy, việc tham gia BHXH bắt buộc hay tự nguyện của người lao động khi còn trẻ để được hưởng lương hưu khi về già được coi là “hộ chiếu” tuổi già, giúp họ sống an nhiên, ổn định. Tuy nhiên, trong hai năm qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến nhiều người lao động mất việc làm, dẫn đến không có thu nhập nên chọn hưởng BHXH một lần, vì cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống.
Một số người lao động khác lựa chọn nhận BHXH một lần vì không hiểu được những lợi ích của việc hưởng lương hưu so với nhận BHXH một lần, cũng như tính nhân văn, ưu việt và tính chia sẻ, trách nhiệm cộng đồng của việc tham gia BHXH. Tình trạng này rất đáng lo ngại không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia, khi mà những năm tới dân số nước ta bắt đầu già hóa.
Việc nhận BHXH một lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng đồng nghĩa với việc người lao động đang đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi về già. Khi rút BHXH một lần, toàn bộ thời gian đóng BHXH trước đó của người lao động sẽ không được bảo lưu.
Trường hợp sau khi rút BHXH một lần, người lao động tiếp tục tham gia BHXH sau đó, nhưng các quyền lợi sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với việc tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Chính vì vậy, việc rút BHXH một lần có thể khiến người lao động không có cơ hội được hưởng lương hưu khi về già do tự rời bỏ hệ thống an sinh xã hội, hoặc nếu có thì mức hưởng cũng rất thấp do thời gian đóng thấp...
Đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội
Theo quy định hiện hành, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Hay nói theo cách khác, mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận với mức đóng BHXH, thời gian đóng BHXH. Tức là mức đóng BHXH càng cao, thời gian đóng BHXH càng dài thì mức hưởng lương hưu của NLĐ sẽ cao hơn.
Thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chỉ xây dựng thang lương, bảng lương bằng mức thấp nhất để đóng BHXH cho người lao động hoặc một số doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận chỉ lấy tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng BHXH.
Nguyên nhân của tình trạng này là do chủ sử dụng lao động cố tình lách Luật để giảm bớt phần trách nhiệm đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (theo quy định, trách nhiệm đóng của chủ sử dụng lao động chiếm 2/3 tổng số tiền phải đóng BHXH của người lao động).
Việc giảm mức đóng BHXH để tăng phần chi trả thu nhập cho người lao động, từ đó giúp doanh nghiệp làm tăng cạnh tranh trên thị trường lao động; hoặc bản thân người lao động chưa hiểu biết chính sách pháp luật đầy đủ, chưa nắm rõ việc đóng BHXH cao thì mức hưởng BHXH sẽ cao, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt thiếu quan tâm đến lợi ích lâu dài, chưa có ý thức tiết kiệm, tích lũy thông qua khoản tiền đóng BHXH ngay khi còn trẻ...
Để giải quyết những hạn chế, bất cập trên, thời gian tới, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tiền lương tại doanh nghiệp; Xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về tiền lương, chế độ BHXH; Đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động nhận thức đầy đủ những lợi ích của việc tham gia BHXH.
Bên cạnh triển khai các giải pháp trên cần nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động trong việc đóng đúng, đóng đủ BHXH để đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.\
* Theo ThS. Vũ Mai Phương - Học viện Ngân hàng.
**Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022.