Bất động sản du lịch: Bánh ngon không dễ ăn
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch “rất ngon” nhưng không phải ai cũng ăn được. Để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư chất lượng, đủ tâm và tầm.
Thỏi nam châm hút vốn đầu tư
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã chứng kiến sự tham gia của hàng loạt các chủ đầu tư lớn gia nhập thị trường. Đáng chú ý, bên cạnh những tên tuổi lớn như Vingroup và Sun Group, thị trường bất động sản du lịch gần đây thu hút dòng vốn từ không ít doanh nghiệp trước đây chỉ đầu tư bất động sản nhà ở hoặc kinh doanh lĩnh vực khác.
Novaland vốn được biết đến là nhà phát triển những dự án căn hộ cao cấp đắt khách ở TP. HCM nhưng gần đây đã "đổi gió" khi công bố chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo với mũi nhọn mới là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Những thành phố có tiềm năng du lịch lớn như Phú Quốc, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Bình Thuận, Ninh Thuận, Cam Ranh - Khánh Hòa đều đang nằm trong tầm ngắm của tập đoàn này. Bên cạnh thương hiệu NovaHills và NovaBeach với hai dự án đã trình làng là NovaHills Mũi Né và NovaBeach Cam Ranh, mới đây Novaland đã ra mắt dòng sản phẩm thứ ba là NovaWorld. Trong năm nay, Novaland dự kiến đưa khoảng 2.400 sản phẩm bất động sản ra thị trường.
Không chỉ Novaland, hàng loạt những doanh nghiệp bất động sản trước nay chỉ đầu tư nhà ở cũng đang tấn công mạnh vào bất động sản du lịch. Là một doanh nghiệp bất động sản với thị trường hoạt động chủ yếu tại TP. HCM, mới đây, Công ty CP Địa ốc Phú Long cũng dự kiến lấn sân sang nghỉ dưỡng bằng loạt dự án cao cấp tại Phú Quốc và Nha Trang.
Crystal Bay cũng đang đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án bất động sản du lịch tại nhiều địa phương khác. Đáng chú ý, Crystal Bay đang có kế hoạch triển khai bốn dự án lớn ở Ninh Thuận với quy mô dự kiến gần 20.000 phòng khách sạn. Crystal Bay vừa động thổ dự án SunBay Park tại Ninh Thuận với 3.000 phòng khách sạn. Tại Quảng Ninh, Crystal Bay đang cùng các đối tác đầu tư khu du lịch Con đường di sản Vân Đồn với giai đoạn đầu có diện tích 109 ha.
Sự tham gia của hàng loạt tân binh mới cùng với xu hướng mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp vốn đã có "thâm niên" trên thị trường đã dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian gần đây. Đặc biệt là sự xuất hiện của các vùng đất mới trên bản đồ du lịch như Phan Thiết, Bình Thuận, Bình Định, Vũng Tàu, bên cạnh các thị trường truyền thống như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc.
Tại "Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019: Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực" do TheLEADER tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản du lịch của Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển rất lớn.
So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippinnes, du lịch Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa bằng một nửa so với Thái Lan. Để đuổi kịp Thái Lan, theo ông Nam, bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam phải phát triển hơn nữa để đáp ứng đủ nhu cầu về cơ sở lưu trú cho khách du lịch.
Trong ngắn hạn, với từ 18 - 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ và khách du lịch trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày, Việt Nam cần thêm hàng chục ngàn phòng khách sạn cao cấp.
Đồng quan điểm, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ du lịch tại các trung tâm du lịch lớn.
Ông Siêu dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9 - 11%/năm. Nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng vì thế tăng lên. Bất động sản du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao đối với các chủ đầu tư.
Không dễ ăn
Tiềm năng trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng là rất lớn, tuy nhiên, để thành công tại lĩnh vực này là bài toán không đơn giản. Với 22 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng tại Việt Nam, ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM) nhận định, mặc dù Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn trên thế giới, nhưng vẫn còn đó những khó khăn rất lớn cần được khắc phục. Trong đó, cơ sở hạ tầng nói chung phục vụ cho hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế, hoạt động quy hoạch, quản lý các điểm đến của Việt Nam vẫn chưa thực sự đồng bộ. Đầu tư chưa đầy đủ, sản phẩm nghỉ dưỡng thiếu tính khác biệt, độc đáo.
Quan trọng hơn, bất động sản du lịch không phải xây dựng biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng, mà quan trọng là vận hành, quản lý hiệu quả để nâng cao chất lượng dịch vụ, hấp dẫn khách du lịch. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang trở thành điểm đến thu hút các khách du lịch quốc tế, cùng với đó là cao tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang ngày càng phát triển, họ bắt đầu đi du lịch nhiều hơn trước và đặt ra yêu cầu cao hơn đối với một sản phẩm du lịch.
Do đó, một bất động sản nghỉ dưỡng sẽ chỉ thực sự hoạt động hiệu quả khi đó là điểm du lịch hấp dẫn, khiến khách du lịch liên tục quay lại nhiều lần, trong nhiều năm liền và tạo ra lợi nhuận cho chủ đầu tư và khách hàng, ông Kai nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, dù sở hữu dư địa phát triển lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch "rất ngon" nhưng không phải ai cũng ăn được. Đầu tư bất động sản du lịch khó khăn và thách thức hơn đầu tư nhà ở rất nhiều, không phải bán là xong, mà quan trọng hơn là vận hành thế nào cho hiệu quả. Vì thế, ngay từ khâu thiết kế sản phẩm đã phải tính toán kỹ lưỡng để không những thu hút khách mua mà còn mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách sau này. "Vì thế, "để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư có tâm, có tầm", ông Nam nói.
Một số doanh nghiệp đang từng bước giải bài toán nâng cao chất lượng trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Có thể kể đến những nỗ lực của Novaland trong dòng sản phẩm NovaWorld vừa được ra mắt mới đây khi doanh nghiệp này lựa chọn một hướng đi mới theo cách gia tăng thêm các dịch vụ cho khách du lịch. Cùng với mô hình đô thị du lịch nghỉ dưỡng, dự án còn có đa dạng loại hình khu vui chơi, giải trí cao cấp như các loại công viên chủ đề, vườn thú hoang dã, sân gôn.
Ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao Tập đoàn Novaland chia sẻ, để phát triển các khu du lịch đa dạng hoá tiện ích, mang đến chất lượng dịch vụ đẳng cấp, Novaland đã mời các nhà tư vấn quốc tế cùng hoạch định chiến lược phát triển. Theo đó, Novaland bắt tay với các đối tác chiến lược danh tiếng quốc tế như đã ký kết với Greg Norman về thiết kế triển khai bốn dự án sân gôn và hợp tác với Minor để quản lý các khách sạn.
Doanh nghiệp này cũng đã mời các chuyên gia quốc tế tư vấn phát triển du lịch cho các địa phương như BCG tư vấn cho Cần Thơ phát triển du lịch toàn diện; McKinsey tư vấn cho phát triển du lịch Bình Thuận.
"Mục tiêu của tập đoàn là phối hợp với các nhà tư vấn, các nhà quản lý, vận hành bất động sản nghỉ dưỡng nhằm tạo ra những điểm đến tuyệt hảo cho khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy dự phát triển của du lịch Việt Nam", ông Phiên nhấn mạnh.
Ông Phạm Hà, Giám đốc Luxury Travel cho rằng, du khách ngày nay ngày càng muốn trải nghiệm độc đáo, tại điểm đến thú vị và mang về những ký ức. Khi phát triển một cơ sở lưu trú cần phải thổi hồn vào nó để khách có lý do để đến và trải nghiệm và muốn nghe câu chuyện bản địa hoặc của chủ nhân. Bản thân cơ sở lưu trú phải là một câu chuyện hay để nghe và khám phá, trải nghiệm trước khi du khách khám phá các địa danh và hoạt động khác xung quanh khu lưu trú tại điểm đến.
"Vì thế, các nhà đầu tư đừng chỉ xây phòng khách sạn, hãy xây trải nghiệm và câu chuyện để tạo ra sự khác biệt độc đáo. Đáng tiếc, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng lại đang quên mất điều này", ông Hà chia sẻ.