Bất động sản: "Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai"

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Sau một thời gian “ngủ đông”, thời điểm đầu tháng 5/2020 các doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu trở lại "đường đua" bằng việc mở bán các dự án cũng như hé lộ các kế hoạch kinh doanh hậu dịch Covid-19. Dường như "cơn bĩ cực" đã đi qua với thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu bất động sản, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các kế hoạch mở bán dự án của doanh nghiệp bất động sản vào quý I và đầu quý II/2020 đều phải tạm ngừng. Chỉ có các dự án dở dang từ năm trước tiếp tục bán số hàng còn lại. Nhưng nay, tình hình đã khác...

"Đường đua" đã sôi động trở lại

Báo cáo mới đây của kênh thông tin Batdongsan.com.vn cho thấy đã có dấu hiệu tích cực trở lại thị trường của một số doanh nghiệp, mặc dù thị trường vẫn còn khó khăn, nhiều sàn giao dịch vẫn chưa mở cửa.

Cụ thể, lượng tin đăng sụt giảm mạnh trong giai đoạn đầu giãn cách xã hội nhưng sau đó tăng mạnh tới 73% khi yêu cầu giãn cách được nới lỏng. Đáng chú ý, mức độ quan tâm của người dùng cũng không suy giảm trong cả tháng 3 và tháng 4 cho thấy dù nguồn cung hạn chế và giá bán chưa giảm sâu, người mua vẫn sẵn sàng quay trở lại thị trường.

Thực tế, dù bị tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19, nhưng một số doanh nghiệp kinh doanh và nhà phát triển bất động sản vẫn có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thậm chí có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản còn bán hàng được nhiều hơn.

Đơn cử như CenLand của CenGroup, từ thời điểm dịch bùng phát, doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược kinh doanh, app Cenhomes Ver 2.0 thêm nhiều tính năng như quản lý đăng tin, quản lý giao dịch, chăm sóc khách hàng, thanh toán đặt cọc online… Đồng thời mở bán online, livestream, toạ đàm trực tuyến.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup cho biết, trước đây lượng giao dịch trực tuyến khoảng 200 giao dịch, trong khi đó lượng giao dịch trực tuyến thành công trong 3 tháng vừa qua đạt khoảng 400 giao dịch.

Mới đây, Vinhomes đã chính thức mở bán lần đầu tiên tòa tháp căn hộ S1.08 tại “Tọa độ trung tâm, cận biển kề hồ” của “thành phố biển hồ" Vinhomes Ocean Park.

Đây là lần đầu tiên một sự kiện bán hàng bất động sản kết hợp với hình thức 3 trong 1, tổ chức trực tiếp, livestream và đặt mua trên sàn giao dịch online. Chỉ sau 60 phút diễn ra sự kiện, gần 250 căn hộ, tương đương 50% số lượng giỏ hàng của toà S1.08 đã nhanh chóng giao dịch thành công sau khi các thông tin phân tích sản phẩm và chính sách bán hàng được công bố

Tương tự, Tập đoàn Novaland đang rầm rộ mở bán dự án Aqua City tại Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, với quy mô 1.800ha, Đây được coi là dự án lớn nhất tại tỉnh Đồng Nai đang bán hàng. Điều này đã tạo sự sôi động cho thị trường bất động sản Đồng Nai hiện nay.

Các doanh nghiệp trở lại "đường đua" với nhiều kế hoạch kinh doanh dài hơi
Các doanh nghiệp trở lại "đường đua" với nhiều kế hoạch kinh doanh dài hơi
 

Nhiều dư địa tăng trưởng

Sự dịch chuyển của các doanh nghiệp bất động sản về vùng ven và các tỉnh lân cận được đánh giá là một xu thế tất yếu để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, phát triển hạ tầng và dịch chuyển lao động.

Như CenLand phát triển thương hiệu Cen Cuckoo quản lý bất động sản dịch vụ hậu cần có gắn sao để chuẩn bị đón làn sóng các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam theo các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tập đoàn Vingroup cho biết trong năm 2020 sẽ đẩy mạnh phát triển bất động sản khu công nghiệp tại các thành phố lớn, có hạ tầng tốt như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh. Thời gian gần đây, doanh nghiệp này cũng liên tiếp đề xuất đầu tư các dự án lớn tại các tỉnh như Quảng Ninh, Hưng Yên, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa,...

Tập đoàn Novaland, quỹ đất sở hữu và đang nghiên cứu đạt hơn 4.894ha với danh mục hơn 40 dự án bất động sản tại Tp.HCM và các tỉnh như như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Cần Thơ.

Novaland đặt mục tiêu tìm kiếm, phát triển và gia tăng các quỹ đất tại các thị trường tiềm năng mới, điển hình như Lâm Đồng - nơi có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, khí hậu ôn hòa, vị trí địa lý thuận lợi để tiếp cận với các trung tâm đô thị lớn. Đây là những yếu tố thích hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các dự án nghỉ dưỡng theo đúng chiến lược đang thực hiện.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc Gia, quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn hiện không còn nhiều, sự quá tải hạ tầng xã hội ngày một trầm trọng hơn. Việc một số nhà phát triển bất động sản mạnh dạn chuyển hướng về thị trường tỉnh chính là đón đầu được xu thế đô thị hóa của địa phương, đồng thời đây cũng sẽ là kênh sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Ông Phạm Thanh Hưng nhìn nhận, đối với các doanh nghiệp trong mùa dịch vừa qua dù ít hay nhiều đều sẽ bị ảnh hưởng, quan trọng là doanh nghiệp phản ứng như thế nào cũng như làm sao để duy trì được hoạt động của mình.

Sau dịch, mỗi doanh nghiệp đều có một phương án khác nhau. Có doanh nghiệp ngủ đông, có doanh nghiệp gồng mình lên để chịu đựng hoặc chịu sức nén để bật dậy khi dịch đi qua.

“Với những phương án đó, cho thấy nó cũng là động lực để mỗi doanh nghiệp doanh nhân bền bỉ hơn, vững chắc hơn và kiên cường hơn bao giờ hết”, ông Hưng nhấn mạnh.

Nhận định về việc các doanh nghiệp “bật dậy” sau dịch, theo ông Hưng, bất động sản hiện nay là thị trường còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong 10 - 20 năm, thậm chí là 30 năm nữa vẫn còn nhiều cơ cấu do dân số trẻ, tăng trưởng GDP cao, chưa kể có nguồn nhu cầu lớn ở nước ngoài kể từ khi chúng ta mở của cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Điều đó cho thấy nhiều nhà đầu tư cảm thấy hưng phấn khi mở rộng đầu tư tại thị trường bất động sản Việt Nam.