Bất động sản Việt Nam hấp dẫn hơn nếu khắc phục được điểm yếu về chính sách

Theo ndh.vn

(Tài chính) Sức hút từ bất động sản tại Việt Nam đến giới đầu tư nước ngoài không kém nhiều so với các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, theo giới tư vấn nước ngoài, nếu khắc phục được một số điểm yếu về chính sách thì cơ hội sẽ nhiều hơn thế.

Một số dự án ở Hà Nội cũng vẫn được các nhà đầu tư quan tâm. Nguồn: internet
Một số dự án ở Hà Nội cũng vẫn được các nhà đầu tư quan tâm. Nguồn: internet

Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm đã ghi nhận được một số tín hiệu tích cực.

Trong đó, riêng ở Hà Nội, trong cả thời gian dài, vẫn tiếp tục là địa phương thu hút lượng vốn FDI vào các dự án bất động sản khá khiêm tốn.

Nửa cuối năm nay, thị trường vẫn theo xu hướng của 6 tháng đầu năm, tức là dòng vốn FDI vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các dự án bất động sản ở khu vực phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh sẽ thu hút nhiều hơn Hà Nội.

Tuy nhiên, một số dự án ở Hà Nội cũng vẫn được các nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.

Bởi lẽ, hiện các nhà đầu tư Hàn Quốc đã mở rất nhiều nhà máy quy mô lớn tại khu vực miền Bắc, vì vậy mức độ quan tâm bất động sản ở Hà Nội hay khu vực gần Hà Nội được dự báo sẽ tăng lên trong tương lai.

Trong khi đó, ông Akshay Kulkarni– Giám Đốc Khu vực Nam & Đông Nam Á Dịch vụ Tư vấn Bất Động Sản Khách Sạn, Nghỉ dưỡng tại Cushman & Đông Nam Á phân tích, so với các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện, nâng cao tính cạnh tranh và trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư hơn.

" Việt Nam có tiềm năng phát triển dài hạn, tuy nhiên, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tìm đường phát triển. Môi trường đầu tư không chỉ bị ảnh hưởng bởi chính sách, hệ thống chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định mà còn phụ thuộc vào tính minh bạch và nhận thức của từng thành phần tham gia vào môi trường đầu tư đó, liệu họ có thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu thông tin trong quá trình tìm hiểu và tiếp cận không. Nếu có thêm thông tin về môi trường và cách thức kinh doanh tại Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn khi tiếp cận thị trường này. Một khi các nhà đầu tư bắt đầu khởi động dự án, họ phải tự tin về quyết định đầu tư và tin tưởng tiềm năng lợi nhuận dự án mang về đủ lớn để họ mạo hiểm đầu tư. Trong tương lai, dĩ nhiên nhiều nhà đầu tư đến từ các châu lục khác sẽ xem xét thị trường Việt Nam. Nhưng khi nào họ chính thức thâm nhập và đầu tư vào thị trường này thì vẫn còn là vấn đề thời gian", ông Akshay Kulkarni nói.