Bất ngờ với cổ phiếu dầu khí
Giá dầu Brent đã phục hồi hơn 78% kể từ đầu năm 2016 đến nay, tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu dầu khí, trong đó có GAS (giá tăng 100%), PVD (giá tăng 64%), PVS (giá tăng 38%)… Giá dầu và nhóm cổ phiếu dầu khí dự báo vẫn sẽ có những diễn biến khả quan trong tháng 6.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán Maritime cho biết, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí đang có biến động tỷ lệ thuận với diễn biến giá dầu. Nhóm doanh nghiệp ngành dầu khí là nhóm ngành cơ bản, các doanh nghiệp lớn trong ngành này đều có nền tảng tài chính tốt, chỉ số P/E hiện vẫn tương đối hấp dẫn. Chính vì vậy, xét về dài hạn, hay nói cách khác là với những nhà đầu tư giá trị thì cổ phiếu ngành dầu khí vẫn là một lựa chọn tốt.
Theo ông Khánh, khảo sát của Bloomberg cho thấy, giá dầu được dự báo có thể tăng thêm 10 - 15 USD/thùng cho tới cuối năm nay. Đây sẽ là cơ hội cho nhóm cổ phiếu dầu khí tăng giá, đặc biệt là trong tháng 6 này. Những cổ phiếu thường có diễn biến tương quan với giá dầu có thể kể đến là PVD, PVS, PVC. Chỉ số P/E và P/B của nhóm cổ phiếu này đang thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của thị trường.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, giá dầu Brent đã phục hồi hơn 78% kể từ đầu năm 2016 đến nay, hiện tiến đến mức 50 USD/thùng, đây được coi là mức kháng cự mạnh đối với giá dầu. Kết quả cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại Vienna (Áo) ngày 2/6 liên quan đến trần sản lượng dầu thô sẽ là yếu tố quan trọng quyết định đến xu hướng tiếp theo của giá dầu.
Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng bộ phận Phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, giá các cổ phiếu dầu khí đã tăng cao nếu so với kết quả kinh doanh hiện tại. Nhìn nhận về cổ phiếu có triển vọng dài hạn, ông Minh đánh giá, cổ phiếu PVS có triển vọng kinh doanh tốt và với mức giá 18.600 đồng/cổ phiếu thì PVS đang được giao dịch ở mức P/E hơn 8 lần, lợi suất cổ tức 5,4%. Xét trên yếu tố cơ bản, PVS là cổ phiếu có mức rủi ro thấp nhất trong trường hợp giá dầu sụt giảm.
Trong báo phân tích về nhóm cổ phiếu dầu khí mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị, ở giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư có thể cân nhắc thêm vào danh mục những cổ phiếu dầu khí có chỉ số P/E và P/B đang có mức chiết khấu cao so với lịch sử và mức độ tương quan cao với giá dầu.
Diễn biến khá “gập ghềnh” mà nhóm cổ phiếu này gặp phải trong thời gian qua đã hình thành vùng kháng cự với khối lượng bán tiềm năng lớn, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và các mã đã tăng giá mạnh trước khi có cú sốc giá dầu sụt giảm. Do đó, trong trường hợp giá cổ phiếu hồi phục, việc mua vào trong sóng điều chỉnh sau khi giá cổ phiếu đã phản ứng với những ngưỡng kháng cự sẽ an toàn hơn.
Ông Lê Anh Minh, Phó giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VPBbank nhận định, giá dầu nhiều khả năng sẽ đi ngang tích lũy trong tháng 6, có thể điều chỉnh nhẹ về 47 - 48 USD/thùng do dự kiến cuộc họp của OPEC sẽ không đạt được sự đồng thuận về “đóng băng” sản lượng. Trước đó, tại cuộc họp ở Doha (Quatar) hồi tháng 4, các bên đã không thống nhất được hạn ngạch sản lượng sản xuất dầu sau khi Ả rập Xê út từ chối vì Iran không tham gia.
Sau cuộc họp tại Doha, giá dầu vẫn đi lên khá bền vững, nên không có động lực đủ mạnh để các bên ngồi lại với nhau bàn về trần sản lượng dầu thô. Tuy vậy, sang tháng 7, giá dầu nhiều khả năng tiếp tục tăng. Kỳ vọng giá dầu cao nhất trong năm 2016 sẽ ở mức 58 USD/thùng.
VPBS dẫn chứng dữ liệu của Tổ chức Năng lượng Quốc tế cho thấy, tồn kho dầu toàn cầu đầu năm 2016 ở mức 3,1 tỷ thùng và dự kiến dư thêm 1,6 triệu thùng/ngày cho đến giữa năm nay. Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu chững lại do sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã giảm liên tục trong 6 năm qua và được dự đoán sẽ giảm xuống 6,7% trong năm 2016 (theo Ngân hàng Thế giới).
Một điểm tích cực với giá dầu là số lượng giàn khoan dầu ở Bắc Mỹ đã giảm còn 763 giàn vào thời điểm giữa tháng 2/2016, tương đương mức giảm 56% so với cùng kỳ năm 2015 và dự báo sẽ tiếp tục giảm vào nửa cuối năm 2016.
“GAS và PVD là 2 cổ phiếu đầu ngành dầu khí nên nhạy cảm nhất với diễn biến giá dầu”, ông Minh nói và chia sẻ, từ nay đến cuối năm, GAS có thể được hưởng một khoản cước phí trả chậm ở mức 1.800 tỷ đồng từ các nhà máy điện do quyết định điều chỉnh tăng mức phí vận chuyển khí từ 0,15 USD/triệu BTU lên 0,52 USD/triệu BTU (cộng thêm 2% lạm phát hàng năm) trong giai đoạn từ 1/1/2012 đến 31/12/2015. Hiện hoạt động kinh doanh cốt lõi của GAS vẫn đang ổn định. Còn PVD dự kiến sẽ giảm bớt áp lực giảm giá thuê giàn khoan dầu khí, thậm chí có thể ký thêm các hợp đồng cho thuê giàn khoan mới. Dự báo, đây sẽ là lý do để giá cổ phiếu này có những cú bứt phá trong quý III/2016.
“Ngoài ra, các mã cổ phiếu khác trong ngành như PXS, PVS, PVC dự báo cũng có diễn biến giá khả quan cùng với đà phục hồi của giá dầu”, ông Minh nói.