Trái phiếu doanh nghiệp, năm 2016 có khác?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Giai đoạn 2012 - 2014, giá trị phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp liên tục tăng, nhưng lại giảm 11% trong năm 2015. Năm 2016, thị trường ghi nhận một số đợt phát hành trái phiếu lớn, với kỳ vọng công cụ này sẽ được doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quy mô mới đạt 3,39% GDP

Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2015, tổng giá trị phát hành của toàn thị trường trái phiếu (gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp) tăng 7% so với năm 2014. Trong đó, giá trị phát hành của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là 42.769 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2014.

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (giá trị thị trường) cuối năm 2015 đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 9,38% so với cuối năm 2014. Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, giá trị trái phiếu doanh nghiệp có mức tăng khiêm tốn, từ 3,25% GDP lên 3,39% GDP.

Cấu trúc kỳ hạn phát hành phần lớn là các kỳ hạn từ 3 năm trở lên. Đây là xu hướng chung của toàn thị trường trái phiếu kể từ năm 2014, khi nhu cầu vốn trung và dài hạn gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.

Trái phiếu được phát hành với lãi suất thả nổi khá phổ biến trong bối cảnh áp lực từ tỷ giá và lãi suất được nhìn nhận là cao trong suốt năm 2015. Biên lãi suất phụ thuộc vào từng trường hợp phát hành cụ thể, nhưng vùng biên lãi suất chủ yếu nằm trong khoảng 2 - 4%/năm.

Triển vọng 2016 và những năm tới

Ngày 17/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều phải được xếp hạng tín nhiệm.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Phạm Phú Khôi trong một lần trao đổi với phóng viên đã nhận định, việc nhận biết mức độ an toàn của các loại trái phiếu doanh nghiệp hiện rất khó, do không có tổ chức định hạng tín nhiệm. Các nhà đầu tư phải tự phân tích các công ty phát hành theo phương pháp riêng, tự xác định mức độ an toàn của trái phiếu trước khi đưa ra quyết định đầu tư, dẫn đến giao dịch chậm trễ.

Theo ông Khôi, khi cần vốn, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để có những khoản vốn vay lớn, với lãi suất thấp hơn lãi vay ngân hàng. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn không ít rủi ro như rủi ro thanh khoản, rủi ro trái phiếu giảm giá trị, rủi ro doanh nghiệp không trả được nợ đúng hạn… Những rủi ro này nếu có một đơn vị độc lập đứng ra phân tích, công bố thì sẽ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng cho các nhà quản lý, nhà đầu tư.

Trên thực tế, hành lang pháp lý cho sự ra đời của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã có từ năm 2014 (Nghị định số 88/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm), nhưng chưa có tín hiệu cho thấy tổ chức này sẽ sớm được thành lập. Một trong những nguyên nhân là cơ quan quản lý đang lúng túng trong việc xem xét và ban hành các chế tài để đảm bảo cho tổ chức xếp hạng tín nhiệm hoạt động hiệu quả.

Nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Các thành viên Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, họ đang nóng lòng muốn biết thông tin chi tiết về Đề án nêu trên. Theo các thành viên này, 3 nội dung quan trọng mà Đề án cần phải có là: định ra các nguyên tắc nâng cao chất lượng hàng hóa; đa dạng hóa nhà đầu tư; sớm hình thành cơ sở dữ liệu thông tin toàn thị trường gắn liền với phương thức minh bạch thông tin.

Liên quan đến cơ sở dữ liệu thông tin toàn thị trường, vừa qua, Bộ Tài chính đã chia sẻ dữ liệu về trái phiếu doanh nghiệp cho VBMA để công khai trên website của Hiệp hội. Theo phản hồi, những thông tin này khá chậm và chưa đầy đủ vì chỉ có thông tin phát hành sơ cấp, không có thông tin về thị trường thứ cấp. Hơn nữa, 1 tháng/lần, Bộ Tài chính mới gửi dữ liệu cho VBMA.

Mặc dù vậy, với sự nỗ lực của cơ quan quản lý và các thành viên thị trường trong việc thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, tương lai lớn mạnh của thị trường này sẽ ngày càng rõ ràng hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên, kể từ đầu năm đến nay, thị trường có một thương vụ phát hành trái phiếu nghìn tỷ của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), bên mua là TPBank và VIB, với giá trị lần lượt 600 tỷ đồng và 400 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu trong năm 2016 là CTCK Rồng Việt, dự kiến huy động 300 tỷ đồng trái phiếu thường; CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất dự kiến phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi; CTCP Đường Biên Hòa dự kiến phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.