Bịt kẽ hở trong đấu giá tài sản
Quy mô thị trường quá nhỏ, nhưng khi nhắc đến hoạt động đấu giá, đấu thầu, nhiều người lại không hề lạ với khái niệm “quân xanh, quân đỏ”, với đấu giá hình thức, cùng những biểu hiện tiêu cực, dìm giá… Tình trạng này phổ biến tới mức “bất cứ doanh nghiệp xây dựng nào cũng biết” – như một đại biểu Quốc hội từng khẳng định và tất nhiên, đang khiến tài sản nhà nước bị thất thoát nhiều ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Đấu giá là một trong những hình thức mua bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường, là hình thức bán tài sản công khai, minh bạch và rất thông dụng ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, thị trường bán đấu giá tài sản đã được khởi động từ năm 2010 sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản.
Nhưng tính đến đầu năm 2015, các tổ chức đấu giá tài sản mới ký được 23.059 hợp đồng bán đấu giá, bán được hơn 41.959 tỷ đồng, tăng chưa đến 8% so với giá khởi điểm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 20-50% của các nước phát triển. Cho đến nay, cả nước cũng chỉ có vỏn vẹn khoảng 200 doanh nghiệp đấu giá tài sản, với hơn 400 đấu giá viên làm việc.
Có lẽ một phần vì lý do trên và do thực tế thị trường đấu giá tài sản còn nặng tính hình thức, nên Quốc hội khóa XIII dù đã cho ý kiến vào Dự thảo Luật đấu giá tài sản, nhưng không thông qua, mà để lại cho các đại biểu Quốc hội khóa XIV tiếp tục nghiên cứu với mong muốn bịt được các kẽ hở trong hoạt động đấu giá tài sản.
Dự thảo Luật Đấu giá tài sản mới nhất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào giữa tuần này có nhiều điểm được sửa đổi cơ bản so với Dự thảo trình Quốc hội khóa XIII. Riêng phạm vi tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá đã được mở rộng hơn rất nhiều, từ tài sản nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước, quyền sử dụng đất; tài sản bảo đảm… đến tài sản cố định của doanh nghiệp có vốn nhà nước, hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ, quyền khai thác khoáng sản; quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Để ngăn chặn tình trạng đấu giá hình thức, “quân xanh, quân đỏ”, tiêu cực trong hoạt động đấu giá gây thất thoát tài sản, Dự thảo dành hẳn một chương quy định về xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại. Qua đó, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản. Dự thảo cũng liệt kê hàng loạt hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên; tổ chức đấu giá tài sản; tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá.
Nghiên cứu rất kỹ Dự thảo Luật Đấu giá tài sản nhà nước, một đại biểu Quốc hội nguyên là chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty công trình giao thông nhận xét, các quy định về đấu giá tài sản khá chặt chẽ, nhưng nếu không có chế tài xử lý nghiêm minh với tổ chức, cá nhân vi phạm thì tiêu cực trong đấu giá vẫn còn đất để tồn tại.
Vị đại biểu này kể, tại một địa phương tổ chức đấu giá 3 ha đất làm trung tâm thương mại với giá khởi điểm 30 triệu đồng/m2. Với giá đất này, rất ít doanh nghiệp tham gia vì biết rằng làm trung tâm thương mại không dễ. Sau khi loại hầu hết doanh nghiệp có nguyện vọng tham gia đấu giá bằng cách đưa ra mức giá “trên trời”, cuối cùng chỉ còn một nhà đầu tư tham gia, nhưng mấy tháng sau khi trúng đấu giá, thay vì xây dựng trung tâm thương mại, nhà đầu tư này đã chạy mục đích sử dụng đất, chia lô, xây dựng chung cư, khách sạn và bán lại với giá 80 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, một đại biểu khác kể, trước bất cứ cuộc đấu giá nào tại địa phương nơi ông ứng cử, người ta đã biết rõ những “đại gia” nào sẽ tham gia, thậm chí người ta còn biết trước được giá mà từng người sẽ trả và ai là người trúng trong cuộc đấu giá.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật đấu giá tài sản, bịt lỗ hổng, kẽ hở dễ dẫn đến tiêu cực khi đấu giá, các cơ quan chức năng cần xem xét nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, đặc biệt là tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản khi xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015.
Lý do là mức xử phạt từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, mức phạt tối đa đối với hành vi phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt cũng chỉ đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù 5 năm là quá thấp so với lợi nhuận mà các tổ chức, cá nhân thu được khi tìm cách “đi đêm” hay câu kết hòng chiếm đoạt tài sản nhà nước trong hoạt động đấu giá.