Bồ Đào Nha: Lạm phát tăng cao nhất trong 30 năm

Theo dangcongsan.vn

Ngày 11/8, Viện Thống kê quốc gia Bồ Đào Nha (NSI) công bố dữ liệu cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này đã tăng lên 9,1% trong tháng 7/2022, mức cao nhất kể từ tháng 11/1992.

Lạm phát tại Bồ Đào Nha tăng lên mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Ảnh: Xinhua
Lạm phát tại Bồ Đào Nha tăng lên mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Ảnh: Xinhua

Theo NSI, tỷ lệ lạm phát lõi hàng năm (không bao gồm năng lượng và các sản phẩm thực phẩm chưa qua chế biến), cũng tăng lên 6,2% trong tháng 7.

Mặt khác, một chỉ số kinh tế quan trọng khác đã cho thấy sự cải thiện, trong đó tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 5,7% trong quý II/2022, thấp hơn 0,2% so với quý trước và thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng theo NSI, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này ước tính là 298.800 người, giảm 3,1% so với quý I/2022 và giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng trước, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa thông báo Chính phủ nước này sẽ chi 1,682 tỷ euro (1,713 tỷ USD) trong năm 2022 cho các biện pháp kiềm chế lạm phát.

Theo đó, khoản ngân sách này được sử dụng cho các biện pháp tài chính nhằm kiểm soát giá cả tăng cao và hỗ trợ kìm hãm chi phí sản xuất cũng như các biện pháp khác nhằm giúp đỡ những gia đình dễ bị tổn thương nhất và các hoạt động kinh tế phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhất.

Người đứng đầu Chính phủ Bồ Đào Nha cho rằng, cần phải chi số tiền trên vì lạm phát đã tăng lên mức “chưa từng có trong thế hệ này”.

Các biện pháp tài chính được Chính phủ Bồ Đào Nha áp dụng cho lĩnh vực năng lượng đã giúp giảm thuế đánh vào nhiên liệu tới 18%. 

Bên cạnh đó, 120 triệu euro cũng đã được Chính phủ nước này chi để giảm giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản cho hơn 1 triệu gia đình dễ bị tổn thương nhất tại quốc gia này.

Không chỉ Bồ Đào Nha, nhiều quốc gia khác thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao.

Theo số liệu Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố mới đây, lạm phát tại Eurozone trong tháng 7 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế khu vực.

Cụ thể, lạm phát của khu vực này tháng 7 vừa qua đã lập kỷ lục mới với 8,9%. Tại Đức, lạm phát là 7,5% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu đề ra. Còn ở Tây Ban Nha, lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 38 năm qua, với 10,8%.