Bỏ mức trần khuyến mại: Cần có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ
Chính thức có hiệu lực từ ngày 15/7/2018, Nghị định số 81/2018 sẽ cho phép mức khuyến mại lên đến 100% thay vì 50% như trước đây. Doanh nghiệp hưởng lợi khi nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho, xoay vòng vốn còn người tiêu dùng (NTD) thì được mua sản phẩm giá rẻ. Song vấn đề đặt ra các cơ quan quản lý cần có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ để loại bỏ các hoạt động khuyến mại giả, khuyến mại ảo nhằm bảo vệ quyền lợi NTD.
Giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn
Theo Nghị định 81/2018, doanh nghiệp (DN) tổ chức chương trình khuyến mại (KM) tập trung có thể áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa và dịch vụ dùng để KM là 100%, thay vì 50% như trước đây. Tuy nhiên, các chương trình này phải do cơ quan nhà nước chủ trì tổ chức trong một khoảng thời gian xác định (theo giờ, ngày, tuần, tháng…).
Hạn mức này còn được áp dụng với hàng hóa trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng quyết định và các đợt KM trong thời gian nghỉ lễ Tết. Trong đó, người bán được KM đến 100% vào 30 ngày trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch; Với những ngày lễ, Tết khác, thời gian KM không vượt quá thời gian nghỉ tương ứng của các ngày lễ, Tết này theo quy định của pháp luật lao động...
Trao đổi với Báo Công Thương, đại diện Saigon Co.op cho biết, nghị định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhóm hàng mang tính thời vụ và thời thượng như hàng may mặc thời trang, hàng công nghệ vốn có đặc tính mẫu mã liên tục thay đổi dễ dàng áp dụng khi có nhu cầu giải phóng tồn kho. Nói một cách khác, DN sẽ chủ động cân đối để tự đưa ra các chương trình giảm giá cạnh tranh nhất có thể, từ đó sẽ có lợi cho NTD.
Đặc biệt, nghị định cũng rất sâu sát khi quy định rõ là không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa 100% khi thực hiện KM giảm giá cho các nhóm hàng bình ổn giá, nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Bởi hai nhóm này thuộc nhóm nhu yếu nhạy cảm, cần linh hoạt điều tiết theo nhu cầu thị trường tại từng thời điểm nhất định.
Tăng kiểm soát để bảo vệ quyền lợi NTD
Mặc dù vậy, một DN bán lẻ ngoại cho rằng: Việc dỡ bỏ mức trần 50% là tốt (nếu thật sự áp dụng tất cả DN, tất cả thời điểm). Song vị này cũng băn khoăn bởi theo nghị định mới, việc áp dụng KM 100% phải do cơ quan nhà nước chủ trì. Vậy khối DN tư nhân và nước ngoài liệu có được phép thực hiện theo nghị định này? Trường hợp nếu áp dụng cho tất cả DN thì nhà nước cần kiểm soát chất lượng KM để DN thực hiện chương trình này không lấy hàng kém chất lượng KM hoặc nâng giá lên rồi hạ giá xuống để KM ảo...
Nhiều DN cũng đánh giá, việc xóa “trần” KM đã tạo thêm sự thông thoáng cho DN sản xuất, người kinh doanh song đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý cần có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ hơn với những chiêu KM ảo. Đơn cử với TP. Hồ Chí Minh - nơi tập trung đông dân và hệ thống phân phối bán lẻ nhiều nhất. Các thống kê của ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, ước tính đã có 32.000 hồ sơ thủ tục hành chính KM từ các DN được duyệt qua cổng thông tin trực tuyến.
Thủ tục đăng ký hồ sơ thông báo được gửi đến sở nay rút ngắn tối thiểu trước 3 ngày làm việc (trước khi thực hiện KM) thay cho 7 ngày làm việc trước đây nên càng khó khăn. Với số lượng hồ sơ lớn, nếu không kiểm soát tốt hoạt động KM thì dễ dẫn đến tình trạng không quản lý chặt được sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi NTD.
Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, nhiều ý kiến cho rằng NTD cũng cần sáng suốt nắm được chất lượng sản phẩm, giá thực của sản phẩm và đánh giá KM có đúng hay không, mình được hưởng lợi bao nhiêu rồi mới quyết định mua.
Các hình thức KM có tác dụng tích cực tới hoạt động kinh doanh của DN, tăng doanh thu bán hàng, giải phóng nhanh hàng tồn kho. Đặc biệt khi một DN mới kinh doanh, khách hàng chưa nhiều thì cần phải KM để khách hàng biết đến thay vì quảng cáo tốn nhiều chi phí hơn.