Bộ, ngành lên kế hoạch rút ngắn danh mục hàng hóa nhóm 2

Theo baohaiquan.vn

Hiện các bộ đã lên kế hoạch rút ngắn danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, điều này sẽ tác động lớn đến việc rút ngắn tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành giai đoạn thông quan xuống còn 15% năm 2016.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) kiểm tra hàng hóa Xuất nhập khẩu. Nguồn: PV.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) kiểm tra hàng hóa Xuất nhập khẩu. Nguồn: PV.

Phó trưởng Phòng giám quản Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Nguyễn Việt Hà cho biết, theo quy định tại Điều 34 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy và phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.

Cơ quan Hải quan chỉ thông quan khi hàng hóa có kết quả chứng nhận đạt chất lượng, nhập khẩu của cơ quan kiểm tra chất lượng, dẫn đến trường hợp cùng một nhà nhập khẩu, cùng nhà sản xuất, cùng xuất xứ nhưng lô hàng nào cũng phải kiểm tra, gây tăng chi phí, thời gian cho người nhập khẩu.

Trường hợp cơ quan quản lý không công nhận kết quả của nhau dẫn đến tình trạng lô hàng nào cũng phải kiểm tra chất lượng gây tăng chi phí, kéo dài thời gian thông quan cho doanh nghiệp. Ngoài ra, khi hàng hóa chưa được thông quan chờ kết quả kiểm tra chất lượng, kể cả trong trường hợp đưa hàng về bảo quản thì cơ quan Hải quan phải thực hiện nhiệm vụ giám sát lô hàng cho đến khi hàng hóa được thông quan.

Để giảm thời gian kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu, cần thiết phải cải cách toàn diện quy định về chứng nhận hợp quy, kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa nhóm 2.

Theo đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) kiến nghị các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ sửa đổi các nội dung liên quan đến kiểm tra chất lượng hàng hóa NK tại Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng:

Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy thì việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy được thực hiện trước khi hàng hóa đưa ra lưu thông trên thị trường; chỉ kiểm tra chất lượng trước khi thông quan đối với lô hàng nhập khẩu lần đầu chưa có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, chứng chỉ chất lượng của tổ chức chứng nhận, giám định nước ngoài được thừa nhận; hoặc hàng hóa của doanh nghiệp vi phạm quy định về kiểm tra chất lượng, lô hàng có thông tin vi phạm. 

Việc xác định chính xác nút thắt trong giảm thời gian thông quan cần tách bạch giữa thời gian kiểm tra và thời gian đánh giá sự phù hợp là vấn đề được các bộ, ngành bàn thảo ngay sau cuộc họp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Bộ Khoa học và Công nghệ (ngày 21-9).

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ rà soát hàng hóa nhập khẩu nhóm 2, thống nhất với các bộ ngành  nhiều giải pháp nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành như:

Đẩy mạnh việc triển khai hình thức đánh giá chất lượng tại cơ sở sản xuất của nước xuất khẩu; đẩy mạnh việc thực hiện các cơ chế thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp, cần thiết thừa nhận đơn phương; thay đổi cơ chế quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu từ hình thức kiểm tra chất lượng trước thông quan (tiền kiểm) sang hình thức kiểm tra chất lượng sau thông quan (hậu kiểm)…

Các bộ quản lý chuyên ngành cũng thống nhất cách thức lựa chọn loại bỏ hàng hóa không rủi ro ra khỏi danh mục với mục tiêu hướng tới giảm thiểu thời gian thông quan nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa nhằm bảo vệ người tiêu dùng, cũng như các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Hiện nay, nhiều bộ đã lên kế hoạch rà soát rút ngắn danh mục hàng hóa nhóm 2. Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để quản lý vật liệu xây dựng và trong đó có danh mục 64 sản phẩm, hàng hóa cần quản lý.

Bộ Xây dựng đang đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục là 36 sản phẩm, giữ lại trong danh mục là 28 sản phẩm và không đề xuất bổ sung thêm sản phẩm vào danh mục. Bộ Y tế có tổng số sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 hiện nay gồm 6 nhóm hàng hóa, trong đó có 57 sản phẩm cụ thể thuộc 4 nhóm và còn lại là 2 nhóm liên quan đến sản phẩm dược. Bộ này đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 2 nhóm hàng hóa với 26 sản phẩm.

Bộ Công Thương có tổng số sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 gồm 3 nhóm hàng hóa, trong đó có 2 nhóm hàng hóa gồm 41 sản phẩm cụ thể và 1 nhóm hàng hóa liên quan đến sản phẩm dệt may các loại. Bộ Công Thương đã đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 1 nhóm hàng hóa (sản phẩm dệt may các loại hiện được quản lý theo quy định tại Thông tư 37/2015/TT-BCT).

Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, sản phẩm, hàng hóa nhóm gồm 6 nhóm hàng hóa; bộ này không đề xuất loại bỏ sản phẩm, hàng hóa nào. Tuy nhiên đề xuất thay đổi cách thức thực hiện đối với hàng nhập khẩu là lựa chọn sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 có mức độ rủi ro cao phải chứng nhận hợp quy (thực hiện trước thông quan) và công bố hợp quy; sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 có mức độ rủi ro thấp phải thực hiện công bố hợp quy (thực hiện sau thông quan theo nguyên tắc hậu kiểm).

Theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Điều 45) và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (Điều 20), hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu được chia ra làm 2 bước:

- Bước 1: Đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp được các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định.

- Bước 2: Kiểm tra nhà nước về chất lượng trên cơ sở kết quả của bước 1 do cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng ra kết quả kiểm tra (công việc chính tại bước này là xem xét tính đầy đủ, phù hợp của hồ sơ và ra kết cho phép nhập khẩu).

 

Trên thực tế nhiều Bộ đã chỉ định hoặc ủy quyền tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện đánh giá sự phù hợp và ra kết quả kiểm tra (riêng đối với mặt hàng thép và các mặt hàng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ hiện nay vẫn thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo 2 bước như quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa). Việc quy định phải qua bước 2 để ra kết quả kiểm tra là không cần thiết vì sẽ gây kéo dài thời gian thông quan và tăng chi phí cho doanh nghiệp.