Bộ Tài chính: Cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu hội nhập
Những nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Tài chính đã góp phần tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước ghi nhận và đánh giá cao.
Tăng cường cải cách thể chế
Theo ông Trần Quân, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, công tác cải cách thể chế của Bộ Tài chính luôn gắn với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính, hệ thống pháp luật tài chính dần được kiện toàn với số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
Với nhiều cách làm sáng tạo (một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định và một thông tư sửa nhiều thông tư), nhiều cơ chế chính sách được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đã tác động mạnh mẽ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ sở pháp lý để đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh, hiện đại hoá quản lý. Qua đó, từng bước chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cũng như minh bạch thông tin, quy trình, thủ tục để triển khai thực hiện. Đơn giản hóa, cải cách TTHC giai đoạn từ 2015-2018 của ngành Tài chính đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đối với việc triển khai các nhiệm vụ về cải cách hành chính tại các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, ông Trần Quân cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành các chương trình, kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ; hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển khai công tác cải cách hành chính một cách đồng bộ và toàn diện trên các lĩnh vực tài chính.
Là bộ quản lý nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống xã hội, nên sức ép đặt ra đối với công tác cải cách hành chính ngành Tài chính là rất lớn. Vì vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính (như: Cải cách thể chế, TTHC, đổi mới quy trình quản lý, đổi mới công tác cán bộ, hiện đại hóa nền hành chính...) luôn được Bộ Tài chính chú trọng, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Trần Quân, nhìn chung, công tác cải cách hành chính của ngành Tài chính trong những năm qua liên tục có những bước tiến quan trọng và đạt được nhiều kết quả ấn tượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, góp phần tạo thuận lợi cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ông Trần Quân cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính. Cụ thể:
Trong lĩnh vực Thuế, Bộ Tài chính đã hoàn thành kế hoạch đơn giản hóa TTHC, tiếp tục tăng cường kê khai thuế qua mạng với số DN đăng ký kê khai qua mạng đạt hơn 99,7% số DN đang hoạt động; mở rộng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Đối với lĩnh vực Hải quan, Bộ Tài chính đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử đối với 34/34 Cục Hải quan các tỉnh; hoàn thành triển khai hải quan điện tử tự động qua Hệ thống Thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) tại các Cục Hải quan trên phạm vi toàn quốc. Thống kê đến ngày 31/12/2018, đã có 68 TTHC của 12 bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, xử lý hơn 1,8 triệu hồ sơ của 26.000 DN.
Với vai trò là Cơ quan thường trực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nỗ lực triển khai các nội dung theo đúng kế hoạch, lộ trình đặt ra.
Thời gian qua, Bộ Tài chính còn đẩy mạnh triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thuế điện tử, hải quan điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hệ thống một cửa quốc gia hải quan ASEAN… giúp ngành Tài chính từng bước hình thành nền tảng của Chính phủ điện tử và hướng tới xây dựng Chính phủ số phù hợp với định hướng chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo kết quả công bố xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (chỉ số Par Index), Bộ Tài chính tiếp tục nằm trong top 3 nhóm 19 bộ, ngành về cải cách hành chính. 2018 là năm thứ 6 liên tiếp Bộ Tài chính đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong các bộ, ngành (Bảng xếp hạng Việt Nam ICT-index 2018).
"Đây là kết quả của cả một quá trình tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chủ động và quyết liệt của toàn ngành Tài chính nhằm tiếp cận nhanh nhất với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4" - ông Trần Quân nhấn mạnh.
Tinh giản biên chế, sắp xếp lại đầu mối
Bên cạnh công tác cải cách TTHC, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, ngành Tài chính đặc biệt chú trọng đến việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại đầu mối theo hướng tinh gọn hiệu quả. Theo quy định tại Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, ngoài 20 vụ, cục chuyên môn và 09 đơn vị sự nghiệp, tại Bộ Tài chính hiện có 05 Tổng cục và tương đương trực thuộc (trong đó hiện có 04 Tổng cục được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương), 183 Cục địa phương, hơn 1.700 chi cục và tương đương, hơn 5.700 tổ (đội) thuộc chi cục và tương đương.
Triển khai Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện một số giải pháp đổi mới, sắp xếp bộ máy của Bộ Tài chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Theo đó, từ đầu năm 2013 đến tháng 10/2018, Bộ Tài chính đã cắt giảm khoảng 3.000 đầu mối các đơn vị từ cấp Trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương (trong đó giảm 180 đầu mối cấp phòng và tương đương; khoảng 2.800 đầu mối cấp tổ (đội) tại địa phương). Như vậy, số các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đã giảm từ 35 đơn vị (cuối năm 2016) xuống còn 28 đơn vị do đã tổ chức lại, giải thể, dừng hoạt động.
Triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Bộ Tài chính đã thực hiện kiện toàn, sắp xếp các đơn vị của ngành theo hướng tinh gọn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, giảm cấp trung gian, thống nhất nguyên tắc một việc chỉ giao cho một đơn vị thực hiện.
Theo đó, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 53 chi cục và tương đương thuộc cục địa phương, trong đó: giải thể 01 chi cục hải quan, hợp nhất, sáp nhập 10 chi cục Dự trữ nhà nước thành 05 chi cục, giải thể 43 phòng giao dịch trực thuộc KBNN các tỉnh, hợp nhất 07 chi cục thuế thành 03 chi cục thuế khu vực; Cắt giảm 357 tổ (đội) và tương đương thuộc chi cục thuộc cục địa phương; Tiếp tục thực hiện sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế để tổ chức hoạt động theo khu vực, đảm bảo đến năm 2020 giảm còn 420 chi cục thuế; Tổ chức lại các đơn vị cấp phòng thuộc cục thuế địa phương.
Theo quy định tại Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã hợp nhất 7 chi cục thuế huyện thành 03 chi cục thuế khu vực thuộc Cục thuế tỉnh Quảng Ninh, qua đó kiện toàn bộ máy, sắp xếp giảm 04 chi cục thuế và 19 đội thuế; Trong tháng 10/2018, Tổng cục Thuế tiếp tục thực hiện hợp nhất chi cục thuế khu vực tại các tỉnh Hải Dương, Yên Bái, Quảng Ngãi, Lâm Đồng và Cà Mau.
Thời gian tới, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tài chính theo hướng sáp nhập 05 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Tổng cục vào Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính trực thuộc Bộ Tài chính. Trước mắt, trong giai đoạn 2018-2020, sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập từ 02-03 đơn vị, đến năm 2021 sẽ tiếp tục sắp xếp, sáp nhập các cơ sở còn lại.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phấn đấu các chỉ số cải cách đạt chuẩn xếp hạng các nước ASEAN 4 và hướng tới tiêu chuẩn của các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, ông Trần Quân cho biết, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; Phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách TTHC, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành tài chính đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; Chủ động triển khai, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hai là, tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính để phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ.
Ba là, từng bước đầu tư trang bị, nâng cấp hiện đại hóa trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tài chính để đáp ứng yêu cầu đổi mới, hiện đại hóa trong giải quyết TTHC và quản lý nội ngành.
Bốn là, triển khai quyết liệt công tác cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thời gian thực hiện và chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; các chỉ số nộp thuế, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới cải thiện được thứ bậc xếp hạng.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách công tác tài chính công, thực hiện huy động và phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính, an ninh tài chính được đảm bảo.