Bộ Tài chính chú trọng đánh giá tác động để xây dựng chính sách khả thi, hiệu lực, hiệu quả

Trần Huyền

Bộ Tài chính đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về công tác đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng đề nghị soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, tạo cơ sở quan trọng để soạn thảo chính sách đảm bảo khả thi, hiệu lực, hiệu quả.

Ngành Tài chính luôn đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Ngành Tài chính luôn đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đánh giá tác động để chọn phương án tối ưu trong xây dựng chính sách

Bộ Tài chính luôn xác định công tác đánh giá tác động của chính sách, thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng lên đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy, Bộ Tài chính đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác này trong quá trình xây dựng đề nghị soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Nhờ đó, việc thực hiện các quy định trong đánh giá tác động chính sách trong lập đề nghị, soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đều được đánh giá đầy đủ các nội dung theo yêu cầu như: mục tiêu của chính sách; giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động thủ tục hành chính, tác động về giới (nếu có).

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã hoàn thiện hồ sơ; gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động về chính sách đối với 10 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 69 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành chính sách.

Bộ Tài chính cũng đã thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính ngay từ khâu dự thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, chỉ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sau khi có đánh giá tác động đảm bảo các tiêu chí: Tính cần thiết; tính hợp lý; tính hợp pháp và tính toán chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 20 thủ tục hành chính tại các 09 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thuế, hải quan, tài chính doanh nghiệp, tài chính ngân hàng, quản lý nợ, bảo hiểm. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Chất lượng đánh giá tác động chính sách của Bộ Tài chính ngày càng được nâng cao. Các đơn vị thuộc Bộ đã nghiêm túc, có trách nhiệm trong nghiên cứu, tư duy trong quá trình đánh giá tác động của chính sách dựa trên các luận cứ, thông tin, dữ liệu công khai, xác thực; đưa ra các kết quả đánh giá rõ ràng; chú trọng tính khả thi cũng như lợi ích của tổ chức, cá nhân chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; bảo đảm sự tham gia góp ý, phản biện của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Qua đó, góp phần bảo đảm quy trình xây dựng chính sách minh bạch, dân chủ; chất lượng của các chính sách được lựa chọn bảo đảm giải quyết các vấn đề thực tiễn, tạo cơ sở quan trọng cho quá trình soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật một cách khả thi, hiệu lực, hiệu quả.

Bảo đảm yêu cầu, chất lượng trong đánh giá tác động

Nhằm tiếp tục bảo đảm yêu cầu, chất lượng trong công tác đánh giá tác động của chính sách, đánh giá tác động thủ tục hành chính, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thường xuyên và sâu rộng, đặc biệt là các quy định về công tác đánh giá tác động của chính sách, thủ tục hành chính để nâng cao nhận thức, quan tâm, đầu tư đúng mức cho hoạt động đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng pháp luật. Đồng thời, xác định rõ và tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác này.

Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nghiêm quy định trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo văn bản, rà soát và đánh giá tác động của chính sách đảm bảo đúng các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị định hướng dẫn. Từ đó, bảo đảm chất lượng của các đề nghị, dự án, dự thảo, đặc biệt là tính khả thi của các quy định, phù hợp với mục tiêu giải quyết những vấn đề đặt ra của thực tiễn, tránh tình trạng bỏ lọt chính sách không được đánh giá tác động.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện đánh giá tác động của thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và rà soát thủ tục hành chính trong quá trình thực thi. Thẩm định, thẩm tra chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về kết quả thực hiện việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp chung.

Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo để nâng cao chất lượng chính sách, quy định của pháp luật nói chung và các quy định thủ tục hành chính nói riêng, bảo đảm mục tiêu chỉ ban hành và duy trì thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thấp nhất.