Bộ Tài chính công bố báo cáo về dự toán ngân sách năm 2022 dành cho công dân
Bộ Tài chính vừa công bố “Báo cáo ngân sách dành cho công dân – Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022” với các thông tin ngắn gọn, dễ hiểu về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, bức tranh tổng thể về ngân sách nhà nước năm 2022 giúp người dân dễ dàng nắm bắt.
Báo cáo ngân sách dành cho công dân – Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã thông tin về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6-6,5%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 5,4%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 32-34% GDP.
Với hình thức thể hiện ngắn gọn, xúc tích kết hợp biểu đồ, đồ họa, Báo cáo cũng đã phác họa bức tranh tổng thể về ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.700 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.784.600 tỷ đồng; tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 572.686 tỷ đồng.
Tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,1% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP. Tổng thu ngân sách trung ương là 739,13 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,36% tổng thu ngân sách nhà nước; Tổng thu ngân sách địa phương là 672,57 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,64% tổng thu ngân sách nhà nước.
Dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so với dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021. Tổng số chi ngân sách trung ương là 841,31 nghìn tỷ đồng (không bao gồm bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương); tổng số chi ngân sách địa phương là 943,29 nghìn tỷ đồng.
Có 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điều tiết về ngân sách trung ương (tăng 2 địa phương so giai đoạn trước), gồm TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Cần Thơ.
Bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 là 372,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 4% GDP. Trong đó, bội chi ngân sách trung ương tương đương 3,7% GDP, chiếm 93,3%. Bội chi ngân sách địa phương tương đương 0,3% GDP, chiếm 6,7%.
Về thực hiện chính sách tiền lương, ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995; chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng; tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực cho việc thực hiện chính sách vào thời điểm phù hợp.
Báo cáo cũng nêu một số biện pháp chủ yếu điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất.
Theo đó, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ để phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tập trung đẩy nhanh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Báo cáo ngân sách dành cho công dân được thiết kế dưới dạng tài liệu “bỏ túi”, ngắn gọn, bắt mắt, chủ yếu bằng bảng, biểu đồ giúp công dân dễ nhìn, dễ hiểu, dễ so sánh. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Tài chính xuất bản báo cáo ngân sách dành cho công dân kể từ năm ngân sách 2015.