Bộ Tài chính đề xuất hoàn thiện quy định pháp lý về hoạt động của công ty cổ phần
Bộ Tài chính đề xuất nhiều nội dung mới về hoạt động của công ty cổ phần tại hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Nhận diện bất cập
Theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp do Bộ Tài chính xây dựng, qua rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp cho thấy, đã có một số bất cập cần khắc phục, trong đó có các quy định về hoạt động của loại hình công ty cổ phần.
Cụ thể, về giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần: Điểm a Khoản 5 Điều 112 quy định thời gian công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông nếu công ty đã “hoạt động kinh doanh liên tục từ 2 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp”. Quy định này gây khó khăn trong thực hiện giảm vốn điều lệ đối với một số công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trên 2 năm, nhưng đã có một khoảng thời gian tạm ngừng hoạt động do có ý kiến cho rằng, những công ty đã không hoạt động kinh doanh liên tục trong 2 năm kể từ ngày đăng ký thành lập.
Ngoài ra, Khoản 5 Điều 112 chưa quy định về trường hợp giảm vốn điều lệ đối với trường hợp doanh nghiệp hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại quy định tại Khoản 1 Điều 118.
Liên quan đến quyền và trách nhiệm của cổ đông, nhóm cổ đông tại công ty cổ phần, trong một số trường hợp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông không hợp tác, đứng ra triệu tập Đại hội đồng cổ đông khi không đủ các tài liệu chính xác, trung thực về việc “Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao” (Điểm a, Khoản 3, Điều 115). Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm cổ đông hoặc nhóm cổ đông trong việc chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật, giải quyết các tranh chấp liên quan (nếu có) khi đứng ra triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông.
Khoản 3 Điều 170 Luật Doanh nghiệp quy định trách nhiệm của Ban Kiểm soát thực hiện thẩm định báo cáo tài chính 6 tháng của công ty và thẩm định báo cáo tài chính năm. Trong khi đó, Khoản 1 Điều 139 quy định “Đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần...” và Đại hội đồng cổ đông thảo luận các nội dung “b) Báo cáo tài chính hằng năm”, “d) Báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả kinh doanh của công ty, kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;” (Điểm b, d Khoản 3 Điều 139). Do vậy, có ý kiến cho rằng, việc quy định Ban Kiểm soát thẩm định báo cáo tài chính 6 tháng không có nhiều ý nghĩa, đồng thời gây tăng chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp.
Nhiều đề xuất mới
Theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp do Bộ Tài chính xây dựng, qua rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp cho thấy, đã có một số bất cập cần khắc phục, trong đó có các quy định về hoạt động của loại hình công ty cổ phần.
Những tồn tại, bất cập trên đang được trông đợi sớm khắc phục, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, nhất là trong bối cảnh theo dự kiến, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp.
Để khắc phục những hạn chế trên, tại dự án Luật, Bộ Tài chính đề xuất nhiều nội dung mới.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 5 Điều 112 và bổ sung Điểm d Khoản 5 Điều 112 cho phù hợp với thực tiễn trong thực hiện các quy định về hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông và việc giảm vốn điều lệ sau khi hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại với quy định: “Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm đăng ký giảm vốn và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông”.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 115 theo hướng quy định bổ sung trách nhiệm của cổ đông hoặc nhóm cổ đông về tính chính xác, trung thực đối với các tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật, giải quyết các tranh chấp liên quan (nếu có) khi đứng ra triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 141 quy định danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông và sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán của công ty để phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp đại chúng, với nội dung: “Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông, sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán của công ty. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn ngắn hơn.”.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 3 Điều 170 về bỏ quy định trách nhiệm của Ban Kiểm soát thực hiện thẩm định báo cáo tài chính 6 tháng của công ty để giảm thiểu giấy tờ, thủ tục hành chính do báo cáo thẩm định về báo cáo tài chính hằng năm của Ban Kiểm soát đã có nội dung của báo cáo tài chính 6 tháng, đồng thời Đại hội đồng cổ đông chỉ họp thường niên, không họp định kỳ 6 tháng./.