Ông Phạm Quốc Trường - Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn và Quản lý Dự án Việt Long:
Bộ Tài chính hướng đến mục tiêu cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện và hiệu quả
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện và hiệu quả, thực hiện tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan Bộ ổn định và hiệu quả. Việc cắt giảm, đơn giản hoá TTHC cũng như triển khai cơ chế một cửa trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC nêu trên của Bộ Tài chính đã mang lại những hiệu quả tích cực, đáng ghi nhận như: Tiết kiệm thời gian thực hiện các TTHC cho cá nhân, tổ chức, phù hợp với khả năng của cơ quan thực hiện TTHC; Mọi quy trình giải quyết TTHC đều được công khai, minh bạch đảm bảo cho mọi cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận, đồng thời có thể kiểm tra, giám sát được hoạt động của cơ quan nhà nước; TTHC được quy định cụ thể từng bước thực hiện, giảm bớt các bước trung gian, không cần thiết, tăng tính phối hợp, kế thừa kết quả giải quyết của các cơ quan nhà nước; được ứng dụng xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc, gặp gỡ giữa cá nhân, doanh nghiệp với cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ TTHC...
Đặc biệt, tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Được biết, tính đến ngày 25/6/2020, tổng số TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 951 TTHC. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của ngành Tài chính là 560 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ tương đối cao 58,9%. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính đã thực hiện tích hợp 101 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Dự kiến đến cuối năm 2020, Bộ Tài chính sẽ hoàn thành tích hợp 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo 30% dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020...
Hiện nay, các kế hoạch hành động của Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ, toàn diện công tác cải cách hành chính nhằm nâng bậc xếp hạng của chỉ số nộp thuế, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, chỉ số vốn hóa thị trường góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo báo cáo tổng hợp kết quả chấm điểm Chỉ số Cải cách hành chính năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được công bố tại Hội nghị thì Bộ Tài chính tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2/17 Bộ, cơ quan ngang bộ với 94,77/100 điểm, tăng 4,58 điểm so với năm 2018. Tôi cho rằng đây là sự ghi nhận tích cực về nỗ lực, cố gắng của Bộ Tài chính trong thực hiện chủ trương cải cách hành chính nói chung và TTHC nói riêng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua.
Tuy nhiên, nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bảo đảm yêu cầu, chất lượng, kịp thời tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả và có hiệu cao, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc tuân thủ TTHC thuộc lĩnh vực tài chính, công tác cải cách TTHC vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Do vậy, trong thời gian tới, cần chú trọng vấn đề như: Đánh giá tác động và lấy ý kiến đơn vị kiểm soát TTHC đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC; Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế “một cửa liên thông”...