“Bộ Tài chính không đề xuất tăng thuế Bảo vệ môi trường“
Sáng ngày 25/2, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định cơ quan này không đề xuất tăng thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như một số báo chí đã đưa.
Hiện nay, thuế Bảo vệ môi trường đang áp dụng đối với xăng là 3.000 đồng/lít, với dầu diesel là 1.500 đồng/lít, dầu mazut là 900 đồng/kg.
Ngày hôm qua, 24/2, một số báo chí đưa thông tin rằng: Bộ Tài chính đang tính toán rất nhiều phương án để đối phó với áp lực thu ngân sách do giá dầu giảm. Trong số những tính toán đó có đề xuất điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng kịch trần được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường (tức là 4.000 đồng/lít – PV), đối với dầu diesel thành 2.000 đồng/lít và dầu mazut thành 1.500 đồng/kg.
Phản hồi trước thông tin này, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế khẳng định: Bộ Tài chính không đưa ra đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như trên.
Trên thực tế, Bộ Tài chính đã tính toán đến rất nhiều giải pháp để hoàn thành tốt công tác thu ngân sách năm 2016. Ngay từ cuối tháng 12/2015, khi giá dầu tiếp tục biến động, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc xây dựng và đề xuất các phương án để điều hành nhiệm vụ thu, chi NSNN trong điều kiện giá dầu giảm. Trong các kịch bản đưa ra, việc giá dầu ở mức 25-30 USD/thùng cũng đã được Bộ Tài chính tính đến với những giải pháp cụ thể đi kèm.
Bên cạnh đó, những giải pháp mà Bộ Tài chính đã thực hiện thành công trong năm 2015 sẽ tiếp tục được kế thừa trong năm nay, như cắt giảm chi, điều chỉnh chính sách thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống nợ đọng, chống gian lận thương mại... qua đó điều chỉnh chính sách thu, tăng thu nội địa, giảm thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu. Cùng với đó, toàn Ngành cũng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, để tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tăng cường sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Trong điều hành, Bộ Tài chính phối hợp tích cực với các ngành, các cấp, chính quyền các địa phương phấn đấu tăng thu nội địa, tăng cường thanh kiểm tra về thuế, chống thất thu, nợ đọng, chuyển giá...
Cụ thể hơn, trong một lần trả lời báo chí gần đây, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, bên cạnh việc nỗ lực hỗ trợ cho DN phát triển để tạo nguồn thu ổn định lâu dài, ngành Tài chính cũng sẽ tích cực xử lý các khoản nợ đọng, đưa tỷ lệ nợ đọng hiện nay từ 6,5% tổng thu xuống khoảng 5%, để phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng ở mức độ chấp nhận được của nền kinh tế.
Đặc biệt, việc điều hành ngân sách cũng được thực hiện với tinh thần triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để đảm bảo cân đối ngân sách; cắt giảm các khoản từ hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài...; không ban hành các chính sách làm tăng chi ngân sách.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, hết tháng 1/2016, tổng thu NSNN đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1% dự toán. Trong đó, số thu nội địa đạt 93 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2015. Các khoản thu quan trọng đều đạt khá và cao hơn cùng kỳ năm 2015, như thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 14,6% dự toán, tăng 14,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,4% dự toán, tăng 13,7%; thuế thu nhập cá nhân đạt 11% dự toán, tăng 20%...
Bộ Tài chính nhận định: Số thu nội địa đạt được kết quả trên là do sự phát triển khả quan của kinh tế vĩ mô, bên cạnh đó, cơ quan Thuế cũng đã chủ động vào cuộc, với quyết tâm cao đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phát sinh.
Với những dấu hiệu khả quan đó, có thể nói, việc giá dầu tiếp tục giảm sẽ không tác động quá lớn đến nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước của ngành Tài chính.