Cải cách thủ tục hành chính thuế: Nỗ lực vượt bậc
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, ngành Tài chính đã có nhiều nỗ lực vượt bậc và đạt được những kết quả quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các kết quả khảo sát cho thấy, công cuộc cải cách thủ tục hành chính thuế thời gian qua đã đạt được điểm số rất cao, thể hiện ở sự hài lòng của đông đảo người nộp thuế.
Lấy người nộp thuế làm trung tâm của cải cách
Ngành Tài chính xác định, để cải cách đạt hiệu quả cao thì mục tiêu cần đạt được là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế, giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục thuế và chi phí tuân thủ thuế. Đó chính là quan điểm lấy người nộp thuế làm trung tâm của quá trình cải cách, chuyển những phần việc khó khăn và bất lợi phải làm trong quản lý thuế cho cơ quan thuế, dành mọi thuận lợi cho người nộp thuế. (Xem sơ đồ cải cách quản lý thuế).
Thực hiện quan điểm đúng đắn trên, công cuộc cải cách thủ tục hành chính thuế đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2014, thời gian làm thủ tục về thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam là 872 giờ, trong đó, thời gian làm thủ tục về thuế là 537 giờ. Theo Báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến cuối năm 2015, thời gian làm thủ tục về thuế của người nộp thuế đã giảm được 420 giờ, đạt mục tiêu của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đề ra. Như vậy, tính riêng thời gian làm thủ tục về thuế, Việt Nam đã gần đạt được mức trung bình ASEAN 6 (122 giờ). Đặc biệt, đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng người nộp thuế phải xếp hàng để nộp hồ sơ khai thuế và giảm mạnh thời gian nộp thuế. Kết quả cải cách thủ tục hành chính thuế sẽ được thể hiện rõ nét hơn khi tìm hiểu từng nội dung cụ thể của cải cách thủ tục hành chính thuế, đó là:
Cắt giảm thủ tục hành chính thuế và đơn giản hóa hồ sơ khai thuế
Sửa đổi quy định pháp lý để cắt giảm hồ sơ khai thuế, giảm tần suất khai thuế và đơn giản hóa mẫu biểu hồ sơ khai thuế được coi là điểm đột phá của cải cách thủ tục hành chính. Thời gian cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã sửa đổi các thông tư hướng dẫn về thuế và quản lý thuế, trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi các luật về thuế, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định về thuế và quản lý thuế đáp ứng các mục tiêu đó. Cụ thể là:
Thứ nhất, ngày 8/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn về thuế, quản lý thuế và hóa đơn, chứng từ. Bằng việc ban hành thông tư này, hàng loạt hồ sơ, thủ tục về thuế đã được cắt giảm hoặc đơn giản hóa, đó là: (1) Bãi bỏ 4 phụ lục bảng kê trong hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT); (2) Cắt giảm 3 cột và 1 dòng trên Bảng kê hàng hóa, dịch vụ bán ra và 4 cột và 1 dòng trên Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào trong hồ sơ khai thuế GTGT; (3) Bãi bỏ yêu cầu phải ghi chú thời hạn thanh toán trả chậm trong Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào của hồ sơ khai thuế GTGT; (4) Bãi bỏ quy định kê khai, tính thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ phục vụ sản xuất, kinh doanh; (5) Đơn giản hóa thủ tục đăng ký phương pháp nộp thuế GTGT; (6) Bỏ điều kiện hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong điều kiện hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; (7) Bỏ quy định doanh nghiệp mới thành lập phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng. Nhờ những quy định sửa đổi, bổ sung trên, thời gian làm thủ tục về thuế đã giảm được 201,5 giờ.
Thứ hai, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 sửa đổi, bổ sung các nghị định về thuế và quản lý thuế; ngay sau đó, ngày 10/10/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP. Các văn bản pháp lý này đã tiếp tục cắt giảm thủ tục, tần suất khai thuế. Cụ thể là: (1) Bãi bỏ quy định phải kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào khi hết thời hạn thanh toán mà bên mua chưa trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ cho bên bán; (2) Bãi bỏ quy định kê khai thuế TNDN theo quý mà thực hiện tạm nộp theo quý trên cơ sở sổ sách kế toán; (3) Nâng ngưỡng doanh thu kê khai thuế GTGT theo quý từ 20 tỷ đồng/năm lên 50 tỷ đồng/năm; (4) Bổ sung quy định rõ thời hạn cơ quan thuế phải hoàn thành thủ tục kiểm tra quyết toán thuế khi người nộp thuế giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; (5) Bổ sung một số trường hợp cơ quan thuế không cần thực hiện kiểm tra quyết toán thuế khi người nộp thuế giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; (6) Bãi bỏ quy định kê khai quyết toán thuế thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán và cá nhân là đại lý bảo hiểm, xổ số, bán hàng đa cấp đã được tổ chức trả thu nhập khấu trừ thuế TNCN; (7) Bãi bỏ các hồ sơ khác trong hồ sơ khai thuế TNDN. Với việc cắt bỏ hàng loạt hồ sơ khai thuế như trên, người nộp thuế không phải bỏ công sức và thời gian để thực hiện những hồ sơ khai thuế; Việc bãi bỏ kê khai tạm tính thuế TNDN, mỗi năm doanh nghiệp giảm được 4 lần tính toán, lập và nộp hồ sơ khai thuế. Nhờ vậy, người nộp thuế đã giảm thời gian thực hiện thủ tục thuế được khoảng 88,36 giờ.
Thứ ba, Luật số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định 12/2015/NĐ-CP; Thông tư 26/2015/TT-BTC và Thông tư số 96/2015/TT-BTC) được ban hành với hàng loạt sửa đổi, bổ sung theo hướng tiếp tục giảm hồ sơ khai thuế và các thủ tục thuế, thống nhất quy định giữa kế toán và thuế để tạo điều kiện thuận lợi trong hạch toán kế toán và kê khai thuế. Những sửa đổi, bổ sung nói trên về thủ tục hành chính thuế cũng nhưng cách xác định các căn cứ tính thuế đã giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục về thuế giảm được 120 giờ.
Như vậy, tính chung trong thời gian qua, ngành Tài chính đã cắt giảm 77/443 thủ tục hành chính thuế (tương đương 17%). Đây lại là những thủ tục gây tốn kém nhiều thời gian và liên quan đến phần lớn người nộp thuế. Thêm vào đó, đã đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính thuế. Nhờ vậy, đã giảm thời gian làm thủ tục về thuế được 420 giờ và giảm các chi phí thực hiện thủ tục về thuế cho người nộp thuế.
Công khai, minh bạch thủ tục hành chính thuế
Ngành Thuế xác định việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính thuế là đòi hỏi tất yếu của nền hành chính công hiện đại. Bởi vậy, thời gian qua, ngành Thuế đã có nhiều hoạt động đảm bảo minh bạch hóa mọi thủ tục hành chính thuế. Đó là:
Thứ nhất, công khai trên Trang thông tin điện tử của ngành Thuế (www.gdt.gov.vn) và tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế các cấp về thủ tục hành chính thuế, các hồ sơ mẫu biểu kê khai thuế, các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, thời gian giải quyết thủ tục hành chính...
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người nộp thuế hiểu và thực hiện đúng pháp luật thuế. Đồng thời, duy trì hệ thống tiếp nhận thông tin phản hồi của người nộp thuế thông qua hòm thư góp ý, tổ chức các đường dây nóng tiếp nhận thông tin của người nộp thuế.
Thứ ba, tổ chức các lớp tập huấn triển khai chính sách, quy định pháp luật mới về thuế cho các doanh nghiệp được tổ chức ở cả cấp cục và chi cục thuế. Các hội nghị đối thoại giữa cơ quan thuế với người nộp thuế được tổ chức ở cả cấp Trung ương và địa phương. Qua đó, kịp thời giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế, giúp người nộp thuế hiểu rõ hơn về pháp luật thuế.
Thứ tư, tổ chức các chuyên mục, chuyên đề về thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng như: VTV, VOV, các báo, tạp chí... Thường xuyên nắm bắt và phản hồi kịp thời các nội dung liên quan đến công tác thuế do báo chí phản ánh; tổ chức các buổi tiếp xúc, giới thiệu nội dung các chính sách, quản lý thuế mới cho các phóng viên để thông tin kịp thời đến người dân và doanh nghiệp
Thứ năm, xây dựng và thực hiện Đề án đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế, lấy sự hài lòng của người nộp thuế làm mục tiêu phấn đấu để nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan thuế các cấp. Trong năm 2015, Tổng cục Thuế đã phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp với cải cách thủ tục hành chính thuế. Kết quả, tỷ lệ doanh nghiệp được hỏi hài lòng với cải cách của cơ quan thuế là hơn 76%.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động kê khai và nộp thuế
Thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động kê khai, nộp thuế của người nộp thuế chính là triển khai trên diện rộng ứng dụng khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử. Tính đến cuối năm 2015 đã có 98% các doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử ổn định. Tổng cục Thuế đã phối hợp với 33 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tính đến cuối năm 2015 đã có 67,8% các doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Việc kê khai, nộp thuế điện tử đã góp phần giảm thời gian, công sức của doanh nghiệp trong việc đi lại, hạn chế sự giao dịch, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế và người nộp thuế. Đặc biệt, nhờ triển khai ứng dụng khai thuế, nộp thuế điện tử mà thời gian thực hiện thủ tục về thuế của doanh nghiệp giảm được 10 giờ.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã nâng cấp các ứng dụng (QHS, QLCV, QTT...) để quản lý, theo dõi việc nhận, trả hồ sơ hành chính thuế theo cơ chế một cửa, đảm bảo việc giải quyết hồ sơ thuế của cơ quan thuế các cấp đúng quy định, đúng thời hạn. Đặc biệt, việc triển khai mở rộng hệ thống quản lý thuế tập trung TMS tuy là hệ thống quản lý nội bộ cơ quan thuế song có tác dụng quan trọng trong ứng dụng quản lý rủi ro của hoạt động quản lý thuế, từ đó, góp phần giảm bớt thời gian thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế mà vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý thuế.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước trong cải cách thủ tục hành chính
Ngành Tài chính đã phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh để trao đổi thông tin về đăng ký doanh nghiệp và phân cấp quản lý thuế. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 127/2015/TT-BTC ngày 21/8/2015 về hướng dẫn việc cấp mã số doanh nghiệp thành lập mới và phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng Thông tư liên tịch về trao đổi thông tin đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.
Ngành Thuế cũng triển khai thí điểm phương thức giao dịch điện tử trong cơ chế một cửa liên thông đối với hoạt động quản lý kê khai và nộp lệ phí trước bạ đăng ký ô tô, xe máy thuế thu nhập cá nhân của hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại một số quận/huyện/thị xã để rút kinh nghiệm mở rộng triển khai toàn quốc.
Những “hạt sạn” của quá trình cải cách
Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu rất quan trọng nêu trên, công cuộc cải cách thủ tục hành chính thuế vẫn còn những “hạt sạn” cần nhặt bỏ. Đó là:
- Một số quy định pháp luật thuế còn chưa thực sự rõ ràng, chưa minh bạch, có thể hiểu theo những cách khác nhau.
- Vẫn còn tồn tại một số khác biệt giữa quy định pháp luật về thuế và kế toán, chưa giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa số liệu kế toán phục vụ kê khai, tính thuế.
- Một số vướng mắc của người nộp thuế chậm được trả lời hoặc trả lời không thỏa đáng. Khoảng 10% số hồ sơ hoàn thuế chưa được giải quyết đúng thời gian quy định.
- Thái độ ứng xử của một bộ phận công chức thuế chưa thực sự văn minh, lịch sự, chưa được người nộp thuế đánh giá cao.
Những trọng tâm cải cách thủ tục hành chính thuế thời gian tới
Mục tiêu đặt ra đến hết năm 2016, Việt Nam phấn đấu đạt mức thời gian làm thủ tục về thuế và bảo hiểm xã hội đạt mức trung bình ASEAN 4. Để nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính thuế đạt được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới cần tập trung các phương diện chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu và có thể hiểu nhất quán; giảm tối đa sự khác biệt giữa quy định pháp luật thuế với quy định pháp luật kế toán để giảm chi phí kê khai, tính thuế của người nộp thuế.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu cắt giảm các thủ tục hành chính thuế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với các cơ quan nhà nước; đơn giản hơn nữa các hồ sơ mẫu biểu kê khai thuế.
Ba là, tăng cường và mở rộng thực hiện kê khai thuế và nộp thuế điện tử; triển khai nộp hồ sơ hoàn thuế qua mạng và trả kết quả hoàn thuế qua mạng; xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác báo cáo hồ sơ hoàn thuế tự động; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý công tác hoàn thuế và thực hiện công khai để người được hoàn thuế biết được thông tin về tình trạng giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Bốn là, xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về giải quyết các khiếu nại của người nộp thuế để người nộp thuế biết được tình trạng giải quyết khiếu nại của mình ở cơ quan thuế. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế, theo đúng quy định của pháp luật.
Năm là, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho người nộp thuế; nghiên cứu xây dựng cơ chế đánh giá của các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề, duy trì hệ thống tiếp nhận thông tin phản hồi của người nộp thuế thông qua hòm thư góp ý, đường dây nóng, hội nghị đối thoại với người nộp thuế để có những thông tin tốt nhất nhằm chấn chỉnh thường xuyên và cải tiến phương thức phục vụ người nộp thuế.
Sáu là, đẩy mạnh giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho công chức thuế đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra nội bộ và nhắc nhở những trường hợp ứng xử không văn minh lịch sự. Xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm kỷ luật Ngành và gây phiền hà cho người nộp thuế để đảm bảo thủ tục hành chính được đơn giản, thuận lợi cả trên phương diện quy định pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Cải cách và Hiện đại hóa Tổng cục Thuế (2015): Báo cáo chuyên đề Cải cách thủ tục hành chính thuế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam;
2. Ngân hàng thế giới (2014): Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu;
3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Tổng cục Thuế - Ngân hàng thế giới (2015): Báo cáo khảo sát Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế - Mức độ hài lòng của doanh nghiệp 2014.