Bộ Tài chính: Linh hoạt trong điều hành ngân sách Nhà nước
(Tài chính) Tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực như: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; Lạm phát được kiềm chế; lãi suất ngân hàng giảm; tỷ giá ngoại tệ và thị trường ngoại hối ổn định. Xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng khá; Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhưng những khó khăn, thách thức vẫn đang tồn tại đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của toàn xã hội để vượt qua, trong đó có sự nỗ lực, phấn đấu của toàn ngành Tài chính.
Tăng cường biện pháp thu NSNN
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như trong nước đang phải đối mặt với vô số những thách thức, thì việc đạt được một số chỉ tiêu đặt ra là hết sức đáng kể. Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2013 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 5,14% so với tháng 12/2012 và tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm nay tăng 6,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2013 ước tính đạt 11,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng trước; lũy kế 10 tháng ước tính đạt 108 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2013 ước tính đạt 11,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước; lũy kế 10 tháng đạt 108,2 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Từ đầu năm đến thời điểm 20/10/2013, đã cấp phép mới cho 1050 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài và với số cấp phép bổ sung vốn thì thu hút đầu tư nước ngoài đạt 19,2 tỷ USD, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm trước. Thực hiện 10 tháng ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 10 ước đạt 71.640 tỷ đồng, tăng 35,7% (18.800 tỷ đồng) so với tháng 9; luỹ kế thu 10 tháng đạt 618.290 tỷ đồng, bằng 75,8% dự toán, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong môi trường kinh doanh, Tổng Cục Thuế đang tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng ở địa phương để tăng cường kiểm tra, đánh giá rà soát lại các khoản thu để thu kịp thời vào NSNN các khoản thu phát sinh, cũng như các khoản nợ thuế tồn đọng.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã ban hành nhiều văn bản tăng cường công tác quản lý thuế GTGT, đặc biệt đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy hải sản và xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đất liền. Tổ chức đánh giá thực trạng và bàn các giải pháp cụ thể để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng gian lận hoàn thuế đối với hoạt động xuất khẩu hàng hoá qua biên giới Campuchia.
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra hoàn thuế đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; Không hoàn thuế đối với trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thương mại đề nghị hoàn thuế đối với trường hợp âm 3 tháng liên tục trở lên liên quan đến hàng hoá tồn kho để thực hiện thu thuế đầu ra mà không khấu trừ thuế theo quy định; Không hoàn thuế đối với doanh nghiệp có doanh thu bình quân năm cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu.
Trên cơ sở kết quả triển khai tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, mở rộng việc triển khai ứng dụng đối chiếu chéo hoá đơn tại 15 Cục Thuế trọng điểm trong tháng 12/2013. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng áp dụng phạm vi cả nước trong năm 2014. Phối hợp với cơ quan an ninh, cơ quan cảnh sát để tiếp tục điều tra, xác minh một số đường dây sử dụng hóa đơn bất hợp pháp chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước nhằm răn đe, ngăn chặn đối với dạng tội phạm này và góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh bình đẳng giữa các doanh nghiệp
Tiếp tục đảm bảo chi cho an sinh xã hội
Bên cạnh các giải pháp nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ thu kịp thời, tăng thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách nhà nước cũng được thực hiện hết sức chặt chẽ, kịp thời. trong điều kiện thu khó khăn, song NSNN luôn đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán, chi trong những trường hợp khẩn cấp thiên tai.
Theo báo cáo, tổng chi cân đối NSNN thực hiện tháng 10 ước đạt 82.400 tỷ đồng, luỹ kế chi 10 tháng đạt 767.210 tỷ đồng, đạt 78,4% dự toán, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, Chi đầu tư phát triển: thực hiện tháng 10 ước 15.460 tỷ đồng, luỹ kế chi 10 tháng đạt 139.500 tỷ đồng, bằng 79,7% dự toán, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2012. Đối với nguồn đầu tư từ Trái phiếu Chính phủ, vốn giải ngân đến hết tháng 10 ước đạt 48.800 tỷ đồng, bằng 81,3% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2012 đạt 75,3% kế hoạch)
Để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trong những ngày qua, Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng (Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội...) đánh giá mức độ thiệt hại, tổng hợp nhu cầu cần hỗ trợ của các địa phương bị thiên tai. Trên cơ sở đó, trình Thủ tướng Chính phủ trích dự phòng NSTW để hỗ trợ các địa phương để thực hiện di dân khẩn cấp ra khỏi các vùng có nguy cơ cao (lũ quét, sạt lở đất...), hỗ trợ dân sinh, mua giống khôi phục sản xuất, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các vùng bị thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân...; xuất cấp gạo dự trữ Quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân các vùng bị thiệt hại. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng tiến độ chi bổ sung cân đối quý IV/2013 cho các địa phương bị ảnh hưởng của bão lụt để có nguồn chủ động khắc phục hậu quả thiên tai.
Điều hành NSNN năm 2013 theo đúng mục tiêu
Nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã được đặt ra, đặc biệt là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành như điều hành thu-chi ngân sách; thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, trong những tháng cuối năm 2013, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN năm 2013 theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; tăng cường triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách, phải thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng.
Phối hợp với Bộ Công an kiểm tra, xử lý các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, giả mạo hồ sơ giấy tờ để chiếm đoạt thuế; rà soát tình hình, quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo đúng pháp luật. Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, cần hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu chi ngân sách Nhà nước của cả năm.